Vì một môi trường không khói thuốc lá, vì sức khỏe của mỗi người, vì tương lai con em chúng ta
(DNTO) - Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay (31/5) có chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”. Ngoài môi trường bị đe dọa thì thuốc lá còn ảnh hường tiêu cực đến sức khỏe con người và tổn hại kinh tế cá nhân gia đình và xã hội.
Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta
Để làm ra điếu thuốc lá, việc phá rừng lấy đất và củi để trồng và sấy thuốc lá là không tránh khỏi. Tiếp theo là việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; việc thải ra một lượng bụi thuốc lá khổng lồ trong quá trình sản xuất; Sau đó là việc sử dụng thuốc lá, ước tính lượng chất độc tạo ra khi hút 3 điếu thuốc nhiều gấp 10 lần lượng chất độc do một chiếc xe hơi thải ra. Không kể khối lượng rác thải do vỏ bao và đầu mẩu thuốc lá sau khi sử dụng vứt đi sinh ra một lượng rác thải khổng lồ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; Từ 300 - 600 triệu ký lô gam chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá; Khoảng từ 3 - 6 ngàn tấn formaldehyde và từ 12 - 47 ngàn tấn nicotine thải ra môi trường mỗi năm. Ở Việt Nam ngoài diện tích rừng bị phá mỗi năm để sản xuất thuốc lá thì tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu và nhiều loại phân bón hóa học cũng khiến đất trở nên bạc màu, cằn cỗi... và làm ô nhiễm nguồn nước của một vùng lớn khi mà chúng bị rửa trôi theo nước mưa.
Ngoài ra còn phải kể đến tai nạn hỏa hoạn từ điếu thuốc lá. Đã từng ghi nhận nhiều vụ cháy rừng xảy ra do người dân đi rừng bất cẩn làm tàn thuốc lá rơi xuống lá khô gây cháy. Tàn thuốc lá cũng là nguyên nhân gây cháy nhà ở, chợ búa, quán ăn…
Thuốc lá - ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Khoa Khám bệnh và nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người.
Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó bao gồm sử dụng thuốc lá trực tiếp và tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động, ông cho biết thêm.
Hút thuốc lá có thể gây ung thư với mọi cơ quan trong cơ thể của bạn như ung thư máu, da, gan, bàng quang, tuyến tiền liệt, mũi và xoang mũi, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, tụy, dạ dày… Đặc biệt là ung thư phổi, các bệnh có liên quan tới phổi và nhiễm trùng đường hô hấp…
Mới đây, theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Không chỉ người trực tiếp hút thuốc, người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc của người hút gọi là hút thuốc thụ động cũng mắc các bệnh như người hút thuốc. Đối tượng này thường là phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Phụ nữ hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai dễ sẩy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen suyển, thậm chí tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Thuốc lá – tổn thất kinh tế cá nhân, gia đình và xã hội
“Nhịn thuốc mua trâu nhịn trầu mua đất” câu nói dân gian cảnh báo, bên cạnh tác hại về sức khỏe, môi trường, hút thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội.
Ngoài số tiền bỏ ra mua thuốc lá cả đời, thất thoát tài chính do giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau còn có các chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến thuốc lá. Ngoài việc gây lãng phí đáng kể nguồn tài chính vốn đã rất eo hẹp đối với các gia đình nghèo, thuốc lá gây thiệt hại 500 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Trong đó 30.000 tỷ đồng chỉ để mua thuốc lá là con số ước tính tại nước ta.
Một cuộc khảo sát về đề tài thuốc lá cũng chỉ ra, tại các gia đình nghèo có người hút thuốc, số tiền tiêu tốn vào thuốc lá ngốn khoảng 5% thu nhập của gia đình. Khoản tiền này được cắt ra từ khoản chi cho giáo dục, lương thực và y tế cho cả gia đình.
Vì những tác hại khôn lường của thuốc lá gây ra đối với sức khỏe, môi trường sống và tổn thất về kinh tế, mỗi cá nhân hãy nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng thuốc tiến tới từ bỏ hút thuốc.
Đã có hàng ngàn người từ bỏ thói quen này mỗi năm. Điều này có thể không dễ dàng, nhưng không phải không làm được. Hãy vì những người thân xung quanh đừng để họ phải hút thuốc lá thụ động từ bạn.