Trả lại giá trị đích thực cho đồng tiền

(DNTO) - Giống như bất kỳ một sự vật nào khác, đồng tiền cũng có hai mặt phải trái. Khi nào thì đồng tiền “có công” và khi nào nó “có tội”? Trả lại giá trị đích thực cho đồng tiền. Sử dụng đồng tiền cho đúng với “bản chất”của nó? Thật không dễ!
Có lẽ thời gian hơn ba tháng bền bỉ theo dõi các cuộc livestream của doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, “khán giả mộ điệu” đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, bao nhiêu hứng thú ban đầu tụt giảm khá nhiều. Sự ồn ào, náo nhiệt, sôi nổi cũng nguôi đi. Bình tâm lại, người ta rút ra được rất nhiều điều tùy theo cái nhìn của mỗi cá nhân khi tiếp cận với câu chuyện.
Trong ngồn ngộn sự việc, chi tiết dễ thấy nổi rõ lên một “tác nhân” mà sự “tham gia”, “chi phối” của nó xuyên suốt cả một chuỗi “drama” làm nên những vụ lùm xùm đình đám: Đó là đồng tiền.

Ca sĩ Phi Nhung với vụ việc lùm xùm được cho là cố tình “ém” tiền cát xê của con trai nuôi Hồ Văn Cường. Ảnh: T.L
Từ việc doanh nhân Phương Hằng cho rằng “thần y” Võ Hoàng Yên lừa đảo, ăn chặn tiền từ thiện với con số bạc tỷ, đến vụ bóc phốt nghệ sĩ Hoài Linh bởi con số 13 tỷ tiền cứu trợ không kịp thời giải ngân, sang chuyện ca sĩ Phi Nhung với công việc nuôi trẻ thiện nguyện, nữ ca sĩ được cho là cố tình “ém” tiền cát xê của con trai nuôi Hồ Văn Cường. Tất cả đều liên quan đến đồng tiền.
Nhiều cư dân mạng tỏ ra tiếc nuối: Chỉ vì đồng tiền con người ta đã đẩy mình lâm cảnh thân bại danh liệt, làm tiêu tan bao nhiêu năm sống, làm việc và cống hiến. Nói về mặt trái của đồng tiền, không đợi đến khi những vụ việc trên đây lùm xùm tràn lan trong dư luận, trong thực tế, cũng đã từng xảy ra không biết bao nhiêu thảm cảnh huynh đệ tương tàn, lừa thầy phản bạn, vợ chồng “đấu tố lẫn nhau”, thậm chí có kẻ tán gia bại sản, người mang thân tù tội… cũng vì tiền.
Thế là người ta thay nhau “lên án” đồng tiền, người ta đưa ra những lời khuyên bảo nhau: “Tiền tài như phấn thổ/Nhân nghĩa tựa thiên kim”, có người nhại theo câu nói của một đại gia nổi tiếng: “Có tiền nhiều để làm gì?” như là một lời dặn dò thôi đừng có mà suốt ngày lao đi kiếm tiền, phải biết hưởng thụ cuộc sống. Vì, tiền của chết có mang theo được đâu!
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ai cũng biết đồng tiền là thứ vật chất mà chúng ta phải đi kiếm (kiếm tiền) mỗi ngày và cho đến hết cuộc đời. Ai kiếm tiền nhiều được xếp vào hàng giỏi giang, cần mẫn. Tại sao chúng ta phải vất vả, cực nhọc, đổ mồ hôi, sôi nước mắt đi kiếm tiền? Vì tất cả các nhu cầu đời sống, hạnh phúc, ấm no của con người nhờ có tiền mà được thỏa mãn. Xem ra đồng tiền rất gần gũi, gắn bó với con người không thể tách rời: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Vì thế làm sao chúng ta có thể “coi rẻ” nó?
Nhưng hễ ai “coi trọng” đồng tiền là tức khắc bị dư luận gièm pha. Vậy khi nào thì đồng tiền “có công” và khi nào đồng tiền “có tội”? Làm sao để trả lại giá trị đích thực cho đồng tiền? Làm sao biết cách sử dụng đồng tiền cho đúng với “bản chất” của nó? Thật không dễ.
Trước hết, chúng ta nên thay đổi cách đánh giá con người, không nên xem những ai “coi trọng” đồng tiền là người xấu. Vì không có ai làm ra đồng tiền từ sức lao động của mình mà lại không “coi trọng” đồng tiền.
Quan trọng đó phải là những đồng tiền “sạch”, là đồng tiền kiếm được từ sự lao động chân chính, từ trí tuệ, tài năng và sức lực của mình. Nó khác với đồng tiền “dơ”, là đồng tiền kiếm được từ sự chiếm dụng sức lao động, ăn cắp thành quả trí tuệ của người khác, đồng tiền kiếm được từ việc làm bất chính, phi pháp, vô đạo đức mà có.

Đồng tiền “sạch” sẽ mang đến cho con người hạnh phúc đích thực. Ảnh: T.L
Cuối cùng với đồng tiền, con người phải học cách làm chủ nó. Đừng để nó quay ngược lại làm chủ mình. Chính sự lệ thuộc khiến con người ta làm nô lệ đồng tiền, bị đồng tiền điều khiển thành ra tha hoá, dẫn đến nguồn cơn của mọi tội lỗi.
Tóm lại, hỏi một người nghèo khó tận cùng, hạnh phúc là gì? Chắc chắn 100% sẽ trả lời rằng “có được nhiều tiền”. Vậy nếu chúng ta biết phân biệt giữa “hạnh phúc đích thực” với cái “tưởng là hạnh phúc” thì tiền hoàn toàn có thể mang đến cho con người hạnh phúc, với điều kiện đó là tiền “sạch”.