Thói quen giở chiêu trò, đối phó thay vì chấp hành

(DNTO) - Đối phó được xem là một kỹ năng của con người trong đấu tranh tồn tại và phát triển. Đối phó (hay chính xác hơn là ứng phó) là hành động đáp lại tình thế bất lợi để tránh cho mình điều không hay hiểu theo nghĩa tích cực. Nhưng khi đối phó mang tính né tránh thì nó trở nên gần với chiêu trò hơn, đồng nghĩa với hành động mang tính chất xảo quyệt, nhằm đánh lừa ai đó.
Mới đây, Công an Hà Nội cho biết quá trình thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã phát hiện một số trường hợp tài xế có dấu hiệu uống rượu bia khi thấy cảnh sát giao thông hoặc chốt kiểm tra nồng độ cồn, họ xuống dắt xe đi bộ nhằm né tránh việc kiểm tra. Đây được cho là cách để người vi phạm đối phó với công an.

Dắt bộ xe máy đi ngược chiều đối phó với công an Ảnh: Internet
Tương tự, trên mạng xã hội trước đây cũng đã từng xuất hiện đoạn clip ngắn ghi lại cảnh cả một đoàn người dắt bộ xe máy đi ngược chiều ở đoạn đường Tố Hữu, Hà Đông, Hà Nội. Các phương tiện được dắt bộ này chủ yếu là đối phó với công an. Hoặc trường hợp xảy ra phổ biến nhất là xe máy tống ba, bốn người, qua chốt kiểm tra liền thả một người đi bộ, qua khỏi chốt lại leo lên đi tiếp.
Đối phó được xem là một kỹ năng của con người trong đấu tranh tồn tại và phát triển. Đối phó (hay chính xác hơn là ứng phó) là hành động đáp lại tình thế bất lợi để tránh cho mình điều không hay hiểu theo nghĩa tích cực. Ví dụ, đối phó với thiên tai bão lũ, ứng phó với nạn bạo hành gia đình, ứng phó với stress… Nhưng khi đối phó mang tính né tránh, chỉ cốt cho xong chuyện thì nó trở nên gần với chiêu trò hơn. Tức là hành động “khéo léo” mang tính chất xảo quyệt, nhằm đánh lừa ai đó.
Kiểu đối phó này gần như là một trong những tính cách tiêu cực của dân ta, được đánh đồng với sự khôn ngoan, nhanh trí. Tính cách này bắt nguồn ngay từ trong gia đình khi nuôi dạy con trẻ. Nhiều bố mẹ cho rằng đây là cách thức giao tiếp khôn khéo, nhạy bén, thức thời, tránh được thói “khôn nhà dại chợ” mà không biết rằng họ đang biến con mình thành những đứa trẻ khôn lỏi, láu cá.
Ví dụ chuẩn bị đi chơi, trẻ không thích mặc cái áo đầm do mẹ chọn. Thế là trẻ dở chiêu giả vờ làm đổ nước ướt cả áo để được thay áo khác. Bố mẹ biết rõ nhưng thay vì giải thích hoặc có biện pháp răn đe, thì bố mẹ lại hớn hở khoe với mọi người rằng bé rất thông minh khi hành động như thế.
Điều này sẽ trở nên cực kỳ nguy hại khi lớn lên trẻ lấy đó làm cách ứng xử để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Thay vì chấp hành, con người lấy việc đối phó để mưu cầu lợi ích tức thì hoặc qua mặt cơ quan hữu quan. Để qua mắt giám thị, thay vì không được đi xe máy phân khối lớn thì bạn sẽ gửi xe máy ở bãi gửi xe khác gần đó. Để qua môn, học sinh sẵn sàng gạ tình đổi điểm, để đáp ứng cho việc thăng chức, cho thói háo danh, mua danh, cán bộ sẵn sàng mua bằng cấp giả…
Khi công việc chung bị đình trệ, kém hiệu quả, là người phụ trách, họ sẽ sa vào tìm cách đối phó nhằm thoái thác trách nhiệm. Trong sản xuất kinh doanh, sự đối phó sẽ làm thiệt hại tài chính, làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Trong thi đấu đối phó sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích chung… Nhưng dẫu sao đó cũng là thiệt hại tài chính hay thất bại trong công việc. Hậu quả sẽ khôn lường nếu như xảy ra việc đối phó với pháp luật như xóa dấu vết, cung cấp chứng cứ giả, đánh lạc hướng điều tra…

Hãy tập cho mình thói quen chấp hành chứ không đối phó. Ảnh: Internet
Trong bối cảnh hiện nay, thói quen đối phó là hạn chế mang tính lỗi thời, lạc hậu trong quan điểm tính cách của người Việt. Nó trở thành lực cản, sức ỳ trên bước đường phát triển và hội nhập của đất nước.
Chúng ta cần xóa bỏ quan niệm đánh đồng giữa đối phó, chiêu trò với thông minh, khôn ngoan, nhạy bén. Hãy tập cho mình thói quen chấp hành chứ không đối phó.