Nỗi sợ cô đơn ở bên kia thế giới và bức tâm thư để lại

(DNTO) - Hai chị em cột chặt tay nhau nhảy xuống sông. Thi thể được tìm thấy trong tư thế ôm chặt nhau. Một lá thư tuyệt mệnh cho hay “Cuộc sống đã mất đi ý nghĩa…” của những đứa trẻ chưa kịp trưởng thành nói cho chúng ta biết điều gì?
Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, sáng 23/3, thi thể hai em gái Trần Ngọc Bảo T. (SN 2009) và em Nguyễn Xuân Q. (SN 2012), cùng trú tại xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), được tìm thấy trong tư thế ôm chặt nhau.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 23g ngày 22/3, hai em đi đến cầu Đạo Long 2 bắc qua sông Dinh - tuyến giao thông nối huyện Ninh Phước với TP Phan Rang - Tháp Chàm, để lại đồ dùng cá nhân, cột tay nhau rồi nhảy xuống sông tự tử.

Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận đưa thi thể 2 thiếu nữ nhảy cầu tự tử ở Ninh Thuận lên bờ. Ảnh: Internet
Trước đó, tối 17/3, N.H.L. (sinh năm 2010 ngụ tại Cách Mạng Tháng 8, P.11, Q.3, TP.HCM) rơi từ tầng 7 Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall và tử vong cũng làm cho nhiều người chứng kiến sự việc bàng hoàng, tiếc thương.
L. sau đó được xác định là tự tử do khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện mẩu giấy ghi nội dung: "Cuộc sống đã mất đi ý nghĩa của nó. Không sống vì ai cả, không làm điều này cho bất kỳ ai. Thế này là quá đủ rồi, làm điều này vì sự tự do của bản thân".
Tự tử ở trẻ vị thành niên gần đây đang trở thành mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Làm sao để biết nguyên nhân, biết cách nhận diện các dấu hiệu và có các biện pháp phòng ngừa ngõ hầu chấm dứt những sự việc đau lòng này?
Nguyên nhân
Đây là giai đoạn thay đổi tâm sinh lý tuổi vị thành niên nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố nội tâm cũng như tác động bên ngoài cuộc sống. Khi không có ai để chia sẻ tư vấn, trẻ sẽ rơi vào bế tắc, suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử như một cách giải thoát.
Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp là áp lực bởi kỳ vọng quá lớn về học tập của gia đình. Việc cha mẹ đặt ra những thành tích hay kỳ vọng cho con cái nếu vừa phải thì nó là động lực nhưng quá đà sẽ tạo ra áp lực.
Mặc dù xảy ra khá lâu nhưng chắc nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện một nam sinh 16 tuổi, đang học lớp 10 của một trường THPT danh tiếng tại Hà Nội, đã nhảy từ tầng 28 chung cư xuống đất tại quận Hà Đông (Hà Nội) với lá thư tuyệt mệnh để lại cho thấy nguyên nhân em bị áp lực từ kỳ vọng quá lớn của phía gia đình về kết quả học tập.
Mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử: Những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn, bị cha mẹ quản thúc, áp đặt, chịu bạo lực gia đình; thất bại trong chuyện tình cảm, bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc; áp lực về kinh tế; mặc cảm tự ti về giới tính, về khiếm khuyết cơ thể; kỳ vọng của xã hội, của gia đình về vai trò trụ cột gia đình sau này đối với các bé trai…
Có những áp lực tưởng đơn giản nhưng hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm. Đó là việc của một bé trai 13 tuổi thắt cổ tự tử chỉ vì bị bố mẹ lắp camera trong phòng để theo dõi.
Ngoài ra, có tính khách quan, ít gặp nhưng cũng cần được lưu ý đó là sự tràn lan của các video hướng dẫn treo cổ, cắt tay, tự tử… trên Youtube; thực trạng sử dụng chất gây nghiện dẫn tới ảo giác, hoang tưởng tự hủy hoại đời mình…
Các dấu hiệu nhận biết
Ngoài một ít biểu hiện “kín” khó nhận biết sớm thì nếu để ý người lớn sẽ dễ dàng cảm nhận được các dấu hiệu bất thường.
Về tâm trạng. Trẻ luôn than thở buồn chán, cáu kỉnh gắt gỏng dễ nổi cáu, cảm thấy mình tội lỗi xấu xa và vô dụng; Giảm hứng thú với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây; Không muốn đi ra ngoài, không tham gia các hoạt động trên lớp, tránh giao tiếp xã hội; Rối loạn giấc ngủ và bữa ăn.
Về hành vi. Trở nên cố chấp, hung dữ, hay bắt nạt người khác; Lạm dụng chất kích thích như rượu bia; Trẻ có những tin nhắn dặn dò hoặc lời chào từ biệt với bạn bè thân thiết. Trẻ tích trữ, cất giấu thuốc ngủ, dây, dao, xăng…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên tự tử. Ảnh:Internet
Biện pháp phòng ngừa
Đóng vai trò chủ chốt quan trọng và có tính cách quyết định là sự quan tâm của bố mẹ với con cái, là sự thương yêu tôn trọng của bố mẹ dành cho nhau. Tuyệt đối không đổ lỗi vì bận rộn công việc làm ăn, kiếm tiền mà lơ là với trẻ. Thôi coi con cái như món hàng trang sức; bỏ lối suy nghĩ bắt con viết tiếp trang đời dang dở của bố mẹ. Cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phán xét, đặc biệt tôn trọng sinh hoạt riêng tư của trẻ.
Nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ, bố mẹ cần dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của con để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm. Cần thiết, nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
-
Tags: