Thiếu bản quyền và tự 'đồng hóa', báo chí sẽ tự giết lẫn nhau
(DNTO) - Báo chí muốn tồn tại và phát triển bền vững cần nâng cao chất lượng, xây dựng bản quyền, thương hiệu riêng, còn không cứ “đồng hóa” là tự giết nhau.
Bản quyền báo chí mạng – điểm yếu chí tử
Chia sẻ tại một diễn đàn đi tìm mô hình kinh tế mới cho báo chí diễn ra gần đây, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ TPHCM cho rằng, vấn đề bản quyền nội dung đang là điểm yếu chí tử của báo điện tử. Vấn nạn xào xáo của các tờ báo mạng tạo thành nhiều bài viết có nội dung tương tự nhau, khiến mặt bằng thông tin trở nên nhạt nhòa, khó ghi dấu ấn, dẫn đến việc bán sản phẩm của các tòa soạn gặp rất nhiều khó khăn.
Mặt bằng thông tin nhạt nhòa khiến việc bán sản phẩm của các tòa soạn gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: KT)“Không thể có một tin bài hay khi bài viết vừa xuất hiện là ngay lập tức tràn ngập trên các trang báo điện tử và mạng xã hội. Các báo điện tử liệu có sẵn sàng cam kết bảo vệ bản quyền cho sản phẩm của nhau không?”, nhà báo Lê Xuân Trung đặt câu hỏi.
“Để bán được báo online, công tác bản quyền là điều mà những người làm báo chân chính bắt buộc phải nghĩ đến”, ông Lê Xuân Trung nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong bối cảnh nguồn thu báo chí giảm, doanh thu quảng cáo giảm, độc giả thì mất thói quen bỏ tiền mua báo, như vậy, nguồn thu để làm báo chí và thực hiện sứ mạng của báo chí chính thống đang bị đe dọa.
“Nhiều người làm báo tử tế bây giờ trăn trở với câu hỏi là liệu làm báo tử tế thì tôi có sống được không? Cho nên đây là một việc mà tất cả các báo chí cũng như là cơ quan quản lý báo chí đang phải cùng nhau bàn cách để tăng nguồn thu cho báo chí và tìm cơ chế để cho những người làm báo tử tế có thể hoạt động đều có thể sống được. Muốn tăng nguồn thu, vấn đề bản quyền chắc chắn không thể không bàn tới”, ông Lâm chia sẻ.
Hiện, doanh thu quảng cáo trên internet, hai doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu là Google và Facebook chiếm khoảng 80%, còn lại “miếng bánh” rất nhỏ là cuộc chiến giữa tòa soạn của các cơ quan báo chí. Cuộc chiến này khiến các tòa soạn phải tìm cách kéo số lượng người xem về những vấn đề gọi là nóng, mới. Điều này dẫn đến câu chuyện về thông tin giật gân, gây sốc câu view và cả vấn đề về bản quyền.
“Nếu coi view là tôn chỉ mục đích, tiêu chí duy nhất để phát triển một tòa soạn, chúng ta sẽ dẫn đến những kết quả vô cùng tệ hại. Đó là chúng ta “đồng hóa” toàn bộ những cơ quan báo chí, đánh mất cái quan trọng nhất là bản sắc của một tờ báo, của một tòa soạn và cuối cùng là đánh mất độc giả tốt. Bởi vì, cái họ đọc được trên mặt báo của mình, họ có thể đọc được ở nhiều nơi khác. Thông tin thiếu bản quyền khiến cho thông tin không giá trị. Người ta sẽ không trả tiền, không mất thời gian cho những thứ không có giá trị”, ông Lâm nhấn mạnh.
Cần liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí
Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hành lang pháp lý về xử lý vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm cả bản quyền các tác phẩm sáng tạo như phim, ca nhạc, tranh, báo chí… đã có đủ, tuy nhiên vì liên quan đến sở hữu trí tuệ nên cơ quan chức năng thường chỉ nhận yêu cầu giải quyết xử lý từ phía chủ sở hữu tác phẩm bản quyền.
Báo chí muốn tồn tại và phát triển bền vững cần nâng cao chất lượng, xây dựng bản quyền, thương hiệu riêng, còn không cứ “đồng hóa” là tự giết nhau. (Ảnh minh họa: KT)Thực tế cho thấy, việc xử lý về sở hữu trí tuệ mang lại hiệu quả tích cực hơn khi thông qua một liên minh, hiệp hội hoặc hội các tổ chức, đơn vị cùng ngành nghề, lĩnh vực.
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí cần sự trao đổi nội bộ trong ngành với nhau, giữa anh em báo chí và đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan báo chí, để cùng có nhận thức chung.
“Nếu như mọi người đều cùng là sản phẩm giống nhau thì tại sao tôi lại cần báo này mà không xem báo khác trong khi các báo chẳng có gì khác nhau cả. Bây giờ việc cần là phải thay đổi nhận thức trong nội bộ đội ngũ người làm báo và những người lãnh đạo các cơ quan báo chí. Chúng ta chỉ có một con đường sống bền vững là phục vụ các đối tượng khán thính giả mục tiêu của mình và thực sự phải trở thành chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực mình mạnh nhất, chứ cứ “đồng hóa” là tự giết nhau”, ông Lâm nói.
Trong nửa đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nếu như báo chí điện tử Việt Nam ghi nhận sự gia tăng mạnh lượng truy cập của người dùng (tăng gấp 2 lần lượng thuê bao truy cập báo điện tử so với năm 2018, 2019) nhưng lại sụt giảm nặng nề nguồn thu, thì nhiều đơn vị báo chí nước ngoài lại thu thêm lượng lớn thuê bao người đọc báo (người đọc trả phí để đọc báo). Ví như tờ New York Times trong nửa đầu năm 2020 đã có thêm hơn 6 triệu thuê bao đăng ký mua tin tức trên toàn thế giới.