‘Thế giới đang ngày càng đắt’
(DNTO) - Công nghệ, internet đang tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tiến bộ nhưng buộc con người phải trả nhiều tiền hơn để sử dụng, thậm chí cả bảo mật chúng.
Revil, Darkside, Lazarus, Dragonfly, Morpho, Lapsus$, NoName057 là 7 băng đảng tin tặc nguy hiểm nhất thế giới được gearrice.com chỉ tên. Chúng ngang ngược tới độ có thể tấn công không bất kì tổ chức nào, từ các nghệ sĩ nổi tiếng như Lady Gaga, đến doanh nghiệp lớn như Apple, Microsoft, Samsung, Cisco... và thậm chí cả các cơ quan của các Chính phủ như lực lượng quân đội Hoa Kỳ, Bộ Y tế Brazil, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha...
Hậu quả là các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phải mất tới hàng triệu USD cho các hacker, hoặc số tiền thiệt hại tương đương khi hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.
Darkside từng đứng sau cuộc tấn công Colonial Pipeline năm 2021, làm đóng cửa một phần mạng lưới cung cấp 45% lượng xăng ở bờ biển phía đông Hoa Kỳ. Chính phủ liên bang phải treo thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ chúng. Trong khi đó, Lazarus cũng từng gây ra cuộc tấn công ransomware WannaCry, làm lây nhiễm hơn 200.000 máy tính Microsoft Windows, gây thiệt hại tới 4 tỉ USD.
Mỗi ngày, thế giới đang tạo ra 2,5 triệu tỷ byte dữ liệu, theo IFL Science. Khoảng 90% dữ liệu hiện nay được tạo ra chỉ trong 2 năm qua và con số này đang không ngừng tăng lên. Lượng dữ liệu ngày càng lớn thì nguy cơ tấn công mạng cũng ngày càng cao. Đến năm 2031, trung bình cứ 2 giây sẽ có một vụ tấn công mạng, “thổi bay” số tài sản ước tính 265 tỉ USD, gấp 13 lần sau một thập kỷ.
“Xã hội đen của internet rất kinh khủng, giờ có AI nữa thì còn mạnh hơn. Về mặt pháp lý, một robot đi ăn cắp, không biết pháp lý sẽ xử ra sao với con robot. Có lẽ mỗi con robot sản xuất phải gắn nó vào một phần mềm không thể rút ra được”, GS Phan Văn Trường, Cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, nói trong sự kiện Growing together 2023 mới đây.
Cũng theo vị này, đó là lý do mà thế giới này càng ngày càng “đắt” vì đang tạo ra những ổ khoá ngày càng khó mở, để cho những tên ăn cắp càng ngày càng dễ mở. Mọi người sẽ phải mua rất đắt những chiếc khoá khó mở và trả tiền rất đắt để mở khoá sau khi tên ăn cắp phá khoá.
Song song với đó, thế giới cũng xuất hiện những người càng ngày càng giỏi để mở các ổ khoá đó. Vậy là con người suốt ngày đi mua ổ khoá tốt hơn, rồi lại phải kiếm những người mở ổ khoá.
“Ở Paris, trước đây khi tôi muốn mở khoá phải trả tới 10 Franc (tiền cũ của Pháp, tương đương 1,5 euro). Bây giờ mở một chiếc khoá gần 200 euro vì chiếc khoá đó rất cầu kì. Nhưng sẽ có người tiếp tục chế tạo ra những chiếc khoá cầu kì hơn nữa, chúng đáng giá 500 euro/ổ khoá thay vì 100 euro như trước kia. Và người mở khoá sẽ tính 500 euro để mở khoá đó”, GS Trường ví von.
Vị cố vấn này so sánh việc đa phần mọi người hiện nay sống giống như “hút thuốc phiện” trong một thế giới nằm trong tay người khác. Do đó trong thời kỳ internet, công nghệ bùng nổ, có nhiều khía cạnh cần chú ý, nhất là với Việt Nam, nơi đang không đủ nhân sự trong nhiều lĩnh vực, các nhân sự lại đang thiếu nhiều kĩ năng.
Kĩ năng đầu tiên mà GS Trường nhắc đến là “óc pháp lý”. Khác với việc biết luật và áp dụng, óc pháp lý là lý luận pháp lý một cách tự nhiên, nhưng nhân sự ở Việt Nam rất thiếu.
“Khi tôi làm việc với các nhân sự Việt Nam nói chung, cả lãnh đạo và nhân viên thì thấy rằng, không ai có óc pháp lý cả. Chúng ta có óc đi đường tắt nhưng không có óc pháp lý nên khi phạm luật thì nghĩ rằng luật vướng chân chúng ta và chúng ta vẫn cứ đi. Nghĩa là sẵn sàng phạm luật để đi tới những gì chúng ta muốn”, ông Trường nói.
Thứ hai, theo vị này, nhiều các lãnh đạo vẫn giữ tính quan liêu trong quản trị. Nếu còn những người đó, Việt Nam sẽ tăng trưởng nhưng không phát triển.
“Đây là điều rất kinh khủng, chúng ta sẽ trở thành nô lệ trong công việc. Máy móc chúng ta mua sẽ làm tốt hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, đẹp hơn, nhưng chúng ta không phát triển”, ông Trường nhấn mạnh.
Đặc biệt, điều mà GS Trường thấy còn thiếu sót là các nhân sự, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ dù làm việc với máy móc rất tốt, nhưng chưa biết truyền thông. Nhiều diễn giả trình bày khiến mọi người “không hiểu nổi, không đầu không đuôi”. Tức ví dụ cho họ làm toán đặt một phương trình thì rất giỏi, nhưng để diễn giải, bình luận thì không ai hiểu phương trình đó.
“Các bạn chỉ mong càng ngày người ta càng trang bị những thứ sang hơn, đắt hơn để làm việc mà quên mất rằng tất cả các trang bị đó phải giúp giảm chi phí chuyển đổi. Ví dụ các robot đáng lẽ phải rẻ hơn nhưng nay lại đắt hơn. Tức chúng ta đang ở trong một thế giới mà mỗi thứ nó chỉ đắt hơn. Chúng ta sẽ tiếp tục tạo nên những ổ khoá càng ngày càng khó để giúp cho những kĩ nghệ bán khoá càng ngày càng lấy nhiều tiền. Còn chuyện khoá thì chẳng bao giờ khoá được hết”, GS Trường nói.