Sự khác nhau giữa các hãng hàng không
(DNTO) - Mỗi dịp lễ, Tết, các loại giá vé máy bay luôn có sự phân hóa rõ rệt tạo nên thắc mắc cho hành khách. Vậy, sự khác nhau nào của các hãng hàng không tạo nên sự chệnh lệch về giá vé?
Trong ngành hàng không, các hãng được chia làm ba loại hình chính, bao gồm: hãng hàng không chi phí cực thấp, hãng hàng không giá rẻ và hãng hàng không tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những năm gần đây, xuất hiện trên thị trường một loại hình hàng không mới mang tên hãng hàng không hỗn hợp (hybrid) và đang rất được các hãng ưa chuộng.
Hãng hàng không chi phí cực thấp (ultra-low-cost airline)
Tại Việt Nam hiện nay không có hãng hàng không nào khai thác loại hình siêu rẻ này. Để có thể bán ra giá vé cực thấp, các hãng hàng không phải tinh giản tối thiểu hầu hết các tiện ích bổ sung trên máy bay, Hành khách luôn phải chi trả thêm cho các dịch vụ đi kèm như hành lý xách tay, chọn chỗ ngồi, sử dụng các tiện ích ăn uống.. Chi phí cực thấp đồng nghĩa với việc các tiện ích và dịch vụ bao gồm trong giá vé sẽ phải tối giản hết mức có thể, nhưng bù lại, số lượng tùy chọn các dịch vụ có trả phí sẽ đa dạng hơn cho khách hàng có thể lựa chọn.
trong diễn đàn Skytrax khi được hỏi về cảm nhận của khách hàng về một hãng hàng không chi phí cực thấp là Spirit Airlines, một người đã đưa ra ý kiến thẳng thắn: “Dịch vụ chăm sóc khách hàng và chất lượng chuyến bay của Spirit Airlines quá kém, thậm chí các chuyến bay bị hủy bỏ mà không hề báo trước.”
Mặc dù chất lượng dịch vụ kém, đơn khiếu nại của khách hàng ngày càng nhiều nhưng Spirit vẫn ngang nhiên đứng đầu danh sách các hãng hàng không thu được lợi nhuận cao nhất nước Mỹ với doanh số các chuyến bay lớn.
Theo số liệu của kênh thông tin kinh tế và tài chính Bloomberg năm 2014, lợi nhuận mà Spirit Airlines thu được chiếm 16,2% tổng doanh thu và đây là con số khá cao.
Hãng hàng không giá rẻ (low-cost-airline)
Trước đây, thuật ngữ "hãng hàng không giá rẻ" dùng để chỉ các hãng hàng không có mức giá vé thấp, nhưng hiện nay, các hãng này đã bắt đầu mở rộng các dịch vụ bay và nâng cao giá vé so với trước, khái niệm "giá rẻ" không còn được dùng để nói về giá vé nữa mà để chỉ các hãng hàng không có chi phí hoạt động thấp.
Các hãng hàng không giá rẻ thường có đặc điểm nhận diện là sử dụng các loại máy bay thân hẹp có kích thước tương đối nhỏ và không có sự phân chia hạng khoang hành khách. Mô hình hoạt động thường thấy của các hãng giá rẻ là chuyên khai thác các đường bay ngắn (dưới 4 tiếng bay) nên các hãng này chiếm lĩnh ưu thế ở các đường bay nội địa. Tuy nhiên thời gian gần đây, các hãng bay giá rẻ đã mở rộng việc khai thác các đường bay xa hơn để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Hiện nay ở Việt Nam có 2 hãng hàng không đang hoạt động loại hình bay giá rẻ là Viejet Air và Pacific Airlines.
Hãng hàng không tiêu chuẩn (standard airline)
Hãng hàng không tiêu chuẩn là loại hình có dịch vụ và tiện nghi đầy đủ nhất. Theo định nghĩa, các hãng hàng không tiêu chuẩn sẽ là thành viên của một hiệp hội, liên minh hàng không và cung cấp các dịch vụ cao cấp hơn so với các loại hình khác. Các chuyến bay của hãng bay tiêu chuẩn có sự phân chia hàng vé theo các khoang riêng biệt. Phổ biến như khoang phổ thông (economic class) và khoang hạng thương gia (business class).
Đặc điểm phân biệt là các hãng bay tiêu chuẩn thường có mạng lưới bay toàn cầu rộng rãi, đội tàu bay lớn và có nhiều kích cỡ khác nhau với sức chứa thông thường từ 50 đến 400 chỗ. Ngoài ra những hãng này cũng sẽ có lịch trình khai thác bay với tần suất cao hơn và các phòng chờ riêng tại sân bay.
Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không tiêu chuẩn duy nhất của Việt Nam.
Hãng hàng không hỗn hợp (hybrid airline)
Hãng hàng không hỗn hợp mới chỉ xuất hiện trong những năm trở lại đây là được xem là một khái niệm không chính thức của ngành hàng không. Hãng hàng không hỗn hợp vận hành theo mô hình kinh doanh chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo các dịch vụ tương đương với các hãng hàng không tiêu chuẩn.
Các hãng này chú trọng vào các dịch vụ trên chuyến bay, thông qua việc phân loại các khoang hạng bay và cung cấp các tiện nghi khác nhau cho từng khoang hạng trong khi vẫn giữ được chi phí giá vé có sức cạnh tranh với các hãng khác.
Một số hãng bay Việt đang vận hành loại hình hỗn hợp có thể kể đến các tay chơi mới như Bamboo Airways hay Vietravel Airlines.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines cho biết mô hình hàng không hybrid hiện nay đang được thế giới rất ưa chuộng và phổ biến. Ông cho rằng hiện nay các hãng hàng không đều muốn hướng tới mô hình hỗn hợp này.
Năm 2021 dự kiến sẽ còn tiếp tục khó khăn với hàng không Việt khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường hàng không thế giới tiếp tục đóng cửa. Tuy nhiên, năm 2020 vẫn sẽ đi vào lịch sử của hàng không Việt Nam khi toàn ngành đối mặt với khủng hoảng chưa từng có mà nhiều chuyên gia nhận định "như mũi dao đâm vào tim của ngành".