Sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022: Nhiều hiệp hội, ngành hàng kêu khó
(DNTO) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Tại Hội nghị đánh giá tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022, diễn ra ngày 27/6, chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp ngành da giày, túi xách, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, hiện các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách lại đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), cùng với đó là chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid-19.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Logistic Việt Nam (VLA) cho hay, giá xăng dầu rất quan trọng. Toàn bộ hàng hoá nội địa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá vận tải tăng lên và tác động tới toàn bộ giá hàng hoá cung cấp ra thị trường. Hiện nay giá cả đang tăng lên cả trong nước và quốc tế, do vậy, làm việc với các hãng tàu về vấn đề giá là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn chưa thể khẳng định được nhiều.
Bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia, tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ, giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp thuỷ sản, sự việc tàu dừng không đi biển là có. Hiện chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Đơn cử như chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng 400 - 440 triệu đồng. 1 doanh nghiệp mỗi tháng chi phí cho dịch vụ loigictics lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng cần có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới.
Bên cạnh những khó khăn liên quan đến giá cả nguyên vật liệu, hàng tồn kho tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp còn đang đối mặt với vấn đề tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7/2022, bởi dựa vào đó, người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng gây sức ép đòi tăng lương, tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp dựa trên mức lương tối thiểu. Trong khi đó, theo bà Hương, các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 cho đến nay chưa có doanh nghiệp điện tử nào được hưởng.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, bởi “doanh nghiệp không thể vay ngân hàng khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn”.
Cùng với đó, các hiệp hội, ngành hàng cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên, vật liệu và chi phí logistics. Bởi giá xăng dầu quá cao như hiện nay sẽ tác động đến nhiều loại hàng hoá nguyên, nhiên liệu sản xuất là đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời tác động đến những mặt hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và đời sống người lao động.
Khó khăn thì như vậy, nhưng theo đại diện các hiệp hội, ngành hàng, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa tạo được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, vấn đề đơn giản hoá điều kiện kinh doanh chưa được cải thiện, vấn đề kiểm tra chuyên ngành có dấu hiệu chững lại.
Đặc biệt, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2021, đầu 2022 là thời điểm phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, hồi phục sau dịch bệnh, thì các cuộc thanh, kiểm tra vẫn diễn ra, gây khó cho khu vực doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lắng nghe dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ngành hàng đánh giá về hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ thời gian và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Sau đó, Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm.
"Bộ KH&ĐT và các bộ ngành sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tranh thủ cơ hội phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.