Phó Chủ tịch Bắc Ninh nói về bài học chống dịch 'không có đường lui'
(DNTO) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Ninh đã chọn phương án sàng lọc đưa “công nhân sạch” vào nhà máy để duy trì hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp.
Phó Chủ tịch Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chia sẻ, ngay từ ngày đầu phát hiện các ca mắc Covid-19, với quyết tâm thực hiện bằng được “mục tiêu kép”, tỉnh không chủ trương 'đóng cửa' cực đoan để phòng dịch.
Bởi lẽ, nếu chọn phương án dừng tất cả các hoạt động để cách ly, phong tỏa và dập dịch, như vậy sẽ dễ dàng cho lực lượng chống dịch rất nhiều, nhưng tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến xã hội thì rất lớn.
Bắc Ninh là tỉnh dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó có tới 10 khu công nghiệp lớn của miền Bắc. Vì vậy, nếu hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, hệ lụy rất nghiêm trọng cho kinh tế không chỉ của Bắc Ninh mà cả nước, thậm chí ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Tính toán sơ bộ, nếu các khu công nghiệp của Bắc Ninh tạm dừng hoạt động trong 2 tuần sẽ gây thiệt hại khoảng hơn 50.000 tỷ, làm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm trên 4% và của quốc gia giảm 0,5%. Do vậy Bắc Ninh phải lựa chọn việc khó, vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất”, ông Tuấn nói.
Thời điểm ban đầu dịch tràn vào Bắc Ninh có tới 89% số ca trong cộng đồng dân cư, 11% trong khu công nghiệp, nhưng đến ngày 31/5 tỷ lệ tại khu công nghiệp tăng lên 23%, cộng đồng dân cư 77%.
Số ca dương tính Covid-19 trong khu công nghiệp tăng, để đảm bảo chống dịch hai đầu (khu công nghiệp và khu dân cư) mà vẫn duy trì sản xuất, Bắc Ninh buộc phải tính đến phương án “lọc” công nhân sạch, cho phép không quá 50% công nhân vào làm việc trong khu công nghiệp, thậm chí cả công nhân ở vùng cách ly, giãn cách xã hội.
Đối với công nhân ở vùng cách ly, trước khi được đưa vào nhà máy phải thực hiện xét nghiệm RT- PCR từ 3-7 ngày (tuỳ từng khu vực có nguy cơ cao, thấp) cho kết quả âm tính, khi đảm bảo an toàn mới đưa vào tham gia sản xuất.
Số công nhân, người lao động còn lại bên ngoài khu dân cư, Bắc Ninh bắt buộc phải thực hiện các quy định kiểm soát nghiêm ngặt tại chỗ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chính quyền giao trách nhiệm chủ nhà trọ quản lý trực tiếp, nguồn lương thực, thực phẩm được cung cấp đầy đủ đến tận nơi.
Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ hôm 20/6, Bắc Ninh đã cho thêm công nhân trở lại nhà máy làm việc bình thường, nhưng đối với lao động trong khu dân cư đang thực hiện cách ly, muốn vào nhà máy cũng phải được xét nghiệm RT- PCR 2 lần âm tính mới được vào làm. Ngược lại công nhân, người lao động từ nhà máy về lại khu dân cư cũng phải test nhanh cho kết quả âm tính để tránh tình trạng ủ bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh, công nhân làm việc trong nhà máy được đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn ở, làm việc nên một số doanh nghiệp đã vận động công nhân tiếp tục ở lại đến 30/6 để duy trì sản xuất ổn định. Người lao động từ đó cũng có thêm thời gian tăng ca, tăng giờ làm nên đời sống đảm bảo, giá trị sản lượng của doanh nghiệp cũng ổn định, nhiều doanh nghiệp vẫn đạt 70-80% sản lượng đặt ra.
Ông Tuấn cho biết, việc hoán đổi vị trí đưa người lao động từ khu trọ cách ly vào nhà máy làm việc và đưa công nhân từ nhà máy trở lại nhà trọ đã giải quyết được 2 mục tiêu: giải quyết được lao động cho doanh nghiệp vừa rút được độ nén trong khu dân cư.
Đưa công nhân từ Bắc Giang về Bắc Ninh làm việc
Cùng với việc đưa lao động cách ly trong khu dân cư trở lại nhà máy, Bắc Ninh còn tạo điều kiện đưa hơn 2.000 lao động từ vùng dịch Bắc Giang sang Bắc Ninh làm việc. Bắc Ninh đưa ra điều kiện, tất cả số công nhân từ Bắc Giang đưa sang phải là những người ở vùng không có dịch và được xét nghiệm RT- PCR 2 lần cho kết quả âm tính. Khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn Bắc Ninh bố trí phân luồng đưa xe đón lao động về khu nhà ở xã hội tại khu công nghiệp, đồng thời đảm bảo ăn uống, sinh hoạt...
Ông Tuấn chia sẻ, giữa tâm dịch việc đưa công nhân trở lại nhà máy làm việc, trong đó có cả công nhân ở Bắc Giang sang là giải pháp chưa có tiền lệ. Tuy nhiên thời điểm đó đây là biện pháp duy nhất để bảo đảm chuỗi sản xuất, và ổn định thu nhập cho người lao động.
“Thời điểm chúng tôi đưa ra giải pháp này bản thân các doanh nghiệp rất băn khoăn, lo ngại không bố trí đủ nơi ăn ở, sinh hoạt cho người lao động. Lúc đó tôi nói thẳng với họ (doanh nghiệp) chắc chắn là khó khăn, nhưng nếu không làm theo phương án này thì phải dừng sản xuất nên cuối cùng tất cả đều đồng tình thực hiện. Ở vào thế “không có đường lui” cuối cùng Bắc Ninh đã duy trì được hoạt động sản xuất trong điều kiện đảm bảo kiểm soát dịch bệnh”, ông Tuấn chia sẻ.
Phó Chủ tịch Vương Quốc Tuấn cũng cho biết thêm, với 450.000 công nhân, người lao động trên địa bàn làm việc trong khu công nghiệp, việc quản lý cơ học về lâu dài sẽ rất khó khăn. Do vậy, tỉnh đã tính tới việc quản lý bằng công nghệ thông qua việc yêu cầu công nhân đeo đồng hồ gắn chip. Qua đồng hồ, nếu công nhân, người lao động đi sai lộ trình, doanh nghiệp sẽ được phát hiện được ngay. “Đây là việc làm khó, nhưng khó cũng phải làm”, ông Tuấn cho hay.
Đại tá Nghiêm Đình Trung, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh có diện tích hẹp nhưng có tới 2.300 doanh nghiệp với 450.000 công nhân. Khi dịch bùng phát có 3.000 người làm ở Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) về Bắc Ninh đi lại, sinh hoạt nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội” hai tỉnh thống nhất chỉ hạn chế và cấm qua lại tuỳ theo mức độ diễn biến dịch bệnh.
Chỉ khu vực nào là ổ dịch thì mới “nội bất xuất, ngoại bất nhập” còn không vẫn linh hoạt, tạo điều kiện lưu thông phát triến kinh - tế xã hội.