Phát hiện 3 ca mắc Whitmore, Bộ Y tế ra công văn khẩn
(DNTO) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vừa có Công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Đắk Lắk về việc tăng cường, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore (bệnh Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.
Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương và hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vừa nghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore, trong đó có 2 trường hợp là trẻ em tại thị xã Nghi Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và 1 trường hợp là người lớn tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Bộ Y tế dự báo, trong thời gian tới sẽ có khả năng tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, nhất là tại các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Ngày 10/11/2022, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.
Tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Whitmore.
Chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh Whitmore, phân tích nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore.
Đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống; đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị…
Bệnh Whitmore (melioidosis) là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật, do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm gây ra. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền bắc Australia do lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.
Vi khuẩn này có thể làm hoại tử và chết các mô, gây viêm loét hay áp xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng máu… Do đó, khuẩn gây bệnh Whitmore vẫn thường được dân gian gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".
Biểu hiện lâm sàng khá đa dạng như: sốt kéo dài; suy hô hấp; loét da; viêm đường tiết niệu; viêm phổi; áp xe ở gan; lách; nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng... Không chỉ dễ bị chẩn đoán nhầm, Whitmore còn khó điều trị và chưa có vaccine phòng bệnh.
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, trong đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại nơi ô nhiễm nặng. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) với người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn...