Nông dân Sơn La rải vụ cây ăn quả
(DNTO) - Sơn La có trên 84.700 ha cây ăn quả. Với mục tiêu tránh tình trạng được mùa mất giá, giải pháp rải vụ đang được nông dân nhân rộng để giảm áp lực tiêu thụ, nâng cao giá bán, gia tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Tăng năng suất, giá trị nông sản
Thời điểm này, nhiều diện tích trồng nhãn trên địa bàn tỉnh mới đang trong giai đoạn dưỡng trái non, thì tại vườn nhãn của các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã đã bắt đầu cho thu hoạch. Đang là đầu vụ, nên nhãn bán được giá, trung bình 60.000/kg, cao gấp nhiều lần so với nhãn chính vụ.
Ông Lường Văn Mười, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX hiện có 14 thành viên, canh tác 30 ha nhãn. Đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, quá trình sản xuất các thành viên HTX đã chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học và phân bón hữu cơ. Cùng với đó, áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ cho quả chín sớm hoặc muộn hơn lịch thường kỳ nên giá trị, thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Gia đình tôi, đang áp dụng kỹ thuật rải vụ cho hơn 1 ha nhãn thành 4 lứa quả khác nhau, lứa thứ nhất bắt đầu thu hoạch đầu tháng 4, lứa thứ 2 thu vào cuối tháng 5, lứa thứ 3 ra quả tự nhiên theo mùa vụ thường kỳ, thu hoạch vào tháng 7 và lứa nhãn muộn thu vào tháng 9, 10.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao vượt trội, nhiều hộ dân áp dụng kỹ thuật hạ cành, tỉa tán, kích cho nhãn ra hoa sớm, ra hoa muộn để rải vụ. Cùng với đó, nhiều nông dân còn đầu tư hệ thống tới ẩm tự động, nâng cao năng suất, chất lượng cho quả nhãn. Theo thống kê, huyện Sông Mã hiện có 500 ha nhãn chín sớm. Bằng kỹ thuật rải vụ, nên nông dân không phải lo lắng nhiều về vấn đề tiêu thụ, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, thông tin: Toàn huyện có hơn 7.500 ha cây nhãn, sản lượng đạt 60.000 tấn/năm. Trước đây, vụ thu hoạch nhãn chỉ kéo dài hơn 1 tháng, dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” nên nông dân luôn bị ép giá thấp trung bình 10.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng từ khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật rải vụ, giúp nông dân có thu nhập cao hơn rất nhiều. Nâng cao, năng suất, chất lượng nhãn, huyện còn phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng chăm sóc cây nhãn, cách thức giúp cây nhãn ra quả trái vụ, chất lượng, bán giá cao.
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn đã áp dụng kỹ thuật rải vụ cho cây thanh long. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX, cho biết: Tuy thanh long không phải là cây truyền thống của địa phương, để hạn chế thừa cung, HTX áp dụng kỹ thuật rải vụ. Bởi chính vụ vào tháng 6 đến tháng 11, sản lượng thanh long tại một số địa phương trên cả nước tương đối lớn. Hai năm trở lại đây, các thành viên HTX đã học hỏi kỹ thuật rải vụ, điều khiển được thanh long ra quả trái vụ. Đầu năm nay, HTX xuất bán hơn 2 tấn thanh long sang thị trường Úc và gần chục tấn thanh long đi các chợ đầu mối với giá 35.000-40.000 đồng/kg. Trồng rải vụ, các thành viên HTX là người được hưởng lợi nhiều nhất, bởi trái vụ, nên lượng quả khan hiếm hơn, do đó đắt hàng hơn.
Thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường
Thực hiện rải vụ đối với các loại nông sản là giải pháp làm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ, giúp nông dân có cơ hội bán các loại nông sản giá cao, ít cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất, thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng nông sản liên tục cho thị trường.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân và các HTX, cho thấy diện tích sản xuất rải vụ so với tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh còn khiêm tốn. Hiện nay, nông dân mới tập trung sản xuất rải vụ cho cây mận hậu, nhãn, bưởi, xoài, thanh long, na. Nguyên nhân là do, khi trồng rải vụ, nếu không nắm chắc về kỹ thuật thì sẽ xảy ra tình trạng lạm dụng chất kích thích, vừa khiến gia tăng chi phí cho người dân và HTX, vừa làm mất cân bằng sinh thái.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, cho biết: Muốn cho thanh long ra trái vụ, người trồng phải có kinh nghiệm xử lý, chăm sóc cây theo cách đặc biệt, trong đó có công đoạn kích thích vào gốc, lá cho cây ra hoa, kết quả trái vụ. Việc cắt tỉa cành cũng phải thường xuyên, những khâu kỹ thuật khác cũng phải được thực hiện đúng từng thời điểm. Đó là chưa kể sản xuất trái vụ nếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, rất dễ bị dịch bệnh, mất mùa, thua lỗ. Ví dụ, đã có nhiều nông dân trồng xoài ở xã Hát Lót, huyện Mai Sơn từng rơi vào cảnh xoài trái vụ phát triển kém, phải chặt bỏ cả cây, khiến thất thu nặng nề. Do đó, dù hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, nhưng HTX mới có khoảng 1/4 diện tích thanh long áp dụng kỹ thuật rải vụ.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: Nông dân nên luân chuyển sản xuất cây ăn quả rải vụ một cách hợp lý, không nên làm liên tục trên một diện tích. Khi bà con áp dụng các kỹ thuật rải vụ cây ăn quả cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí hậu để xây dựng kế hoạch rải vụ từng loại cây ăn quả cụ thể, phù hợp. Áp dụng biện pháp rải vụ cần đi đôi với việc cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng trong giai đoạn rải vụ thu hoạch, tránh làm cây suy kiệt. Các địa phương cần liên kết để sản xuất đạt hiệu quả bền vững, tránh xảy ra tình trạng người tập trung sản xuất rải vụ trùng lắp vào cùng một thời điểm, ảnh hưởng đến giá cả đầu ra khi thu hoạch rộ.
Sản xuất cây ăn quả rải vụ, giúp nông dân có cơ hội bán các loại nông sản giá cao, ít cạnh tranh, tích lũy nhiều kinh nghiệm và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu cung cấp nông sản liên tục cho thị trường. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các ngành chức năng cần quản lý chặt và hướng dẫn nông dân, các HTX thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.