Nóng cuộc đua của hai doanh nghiệp 'Heo ăn chuối' và 'Heo ăn chay' trên thị trường 3F
(DNTO) - Sau sự xuất hiện của thương hiệu “Heo ăn chuối” của ông Bầu Đoàn Anh Đức, rất nhanh sau đó, doanh nhân Trương Sỹ Bá cũng ra mắt thương hiệu “Heo ăn chay”. Liệu có hay không cuộc chạy đua ngấm ngầm của hai doanh nghiệp trên thị trường 3F?
Nếu giữa tháng 9, thương hiệu BaPi - Heo ăn chuối của bầu Đức chính thức ra mắt thị trường tại TP.HCM, thì chỉ hơn một tháng sau, thương hiệu "BaF Meat- heo ăn chay' của ông Trương Sỹ Bá cũng tổ chức họp báo công bố sản phẩm.
Thị trường 3F trong nước đang khá sôi động với nhiều thương hiệu lớn, việc xuất hiện gần như cùng lúc hai thương hiệu thịt "heo sạch" khiến nhiều người liên tưởng, hình dung đến một cuộc đối đầu trên thị trường và kết quả đi về đâu là điều được nhiều người nghe ngóng.
Thịt nào "sạch" hơn?
Nếu thịt heo của Masan MEATLife, Dabaco... dường như đã quá quen thuộc với nhiều người tiêu dùng thì sản phẩm của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) và Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) lại mang đến cho người tiêu dùng sự tò mò, kỳ vọng về một sự khác lạ trong sản phẩm.
Thịt heo của bầu Đức được cho biết là nuôi từ chuối. Chuối chất lượng sẽ được xuất khẩu, phần còn lại được sử dụng làm thức ăn cho heo. Chất thải từ heo lại được bón cho cây chuối. Nói nôm na, con heo và cây chuối được bầu Đức phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp ông tận dụng được mọi lợi thế để thu về bạc tỷ. Hiện quy mô đàn lợn của ông khoảng 500.000 con, mục tiêu năm 2023 lên 1 triệu con.
Trong khi đó, BaF là sử dụng "cám chay". Doanh nghiệp này cho biết, với thế mạnh sản xuất gạo, họ đã sáng tạo ra loại cám có nguồn gốc 100% từ đạm thực vật. Hiện tại sản phẩm chỉ cung cấp nội bộ và không bán thương mại ra thị trường. Năm 2023, BaF cũng dự kiến nhân đàn lên 1 triệu con, gấp hơn 3 lần số lượng hiện tại.
Có thể nói, nếu một sản phẩm khiến người ta hình dung đến quy trình sản xuất có phần gần gũi với nhiều người thì một sản phẩm khiến người ta hình dung đến các yếu tố cầu kỳ để tạo nên sản phẩm.
Mặc dù vậy, cả hai doanh nghiệp đều tìm đúng "điểm rơi" của thị trường khi câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng” đang trở nên được quan tâm hơn bao giờ hết.
"Chúng tôi cho rằng sự gia nhập của BAF và HAG đang “phù hợp với thời đại” những bước dịch chuyển trong thói quen của người tiêu dùng từ mua thịt ở chợ, không rõ nguồn gốc sang những nơi có thương hiệu, có tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm", VNDirect nhận định.
Ai đang làm ăn tốt hơn?
Trong khi bầu Đức từng trải qua thời kỳ nhiều long đong vất vả thì doanh nhân Trương Sỹ Bá lại nhiều thuận lợi hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của hai doanh nghiệp cũng có nhiều khác biệt.
Theo báo cáo tài chính quý 3, doanh thu chăn nuôi trong quý của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tăng 195% đạt 540 tỷ đồng. Chín tháng đầu năm, HAGL ghi nhận mức doanh thu 993 tỷ đồng từ chăn nuôi.
Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam cũng không chênh lệch nhiều khi doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng 95% lên hơn 955 tỷ đồng (chiếm gần 20%) trong chín tháng đầu năm. Như vậy mức doanh thu trung bình từ hai doanh nghiệp khá sít sao, giao động quanh mức khoảng 3,5 tỷ đồng mỗi ngày.
Cụ thể, quý 3, HAGL đạt 1.441 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 160% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt gần 370 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 892 tỷ đồng, tăng bất ngờ gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, quý 3, doanh thu thuần của BaF đạt 1.919 tỷ đồng, sụt giảm chỉ còn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý 3 của BAF còn 158 tỷ đồng, chỉ tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, HAGL còn hơn 14.400 tỷ đồng ở mục nợ phải trả, trong đó hơn 7.600 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. BaF khá nhẹ nhàng khi chỉ có hơn 3.300 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ ngắn hạn là 2.700 tỷ đồng. Chi phí lãi vay mà doanh nghiệp bầu Đức phải gánh trong kỳ lên tới 166 tỷ đồng, trong khi đó BAF chỉ có khoảng 4,5 tỷ đồng.
Những thách thức từ phía bầu Đức có vẻ lớn hơn nhưng xét về tăng trưởng trong quý thì Hoàng Anh Gia Lai đã làm những điều ngoạn mục gây bất ngờ. Tuy nhiên mọi điều vẫn là ẩn số phía trước.
Theo nhìn nhận từ các chuyên gia VNDirect, các doanh nghiệp mới (như BAF, HAG) sẽ còn gặp một số rào cản gia nhập ngành như "cạnh tranh từ các công ty đã có sẵn thị phần và đảm bảo được hệ thống nhà máy và trang trại khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến cung cấp thịt thành phẩm ra thị trường".
Ngoài ra cũng theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi trong nước còn phải đối mặt với điều kiện thời tiết không thuận lợi, giá nông sản tăng hay dịch bệnh tả lợn Châu Phi tái bùng phát có thể khiến các hộ nông dân bán tháo đàn, gây dư thừa nguồn cung.
Với người tiêu dùng, cảm nhận về độ "sạch" của thịt heo mới chủ yếu nhờ vị giác hay qua trải nghiệm ăn uống trước đó. Tuy nhiên khi 95% thịt lợn tiêu thụ hiên tại trong nước là thịt ấm không an toàn, thì việc có thêm thương hiệu thịt heo sạch, đầu ra theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food), là điều người tiêu dùng mong chờ. Họ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi từ nay đã có nhiều sự lựa chọn hơn cho bữa ăn sạch của gia đình.