Những yếu tố nào sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam
(DNTO) - Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, năm 2021, dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam, góp phần giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Thời gian gần đây, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện nhiều phiên liên tiếp rút ròng trên thị trường chứng khoán, gây áp lực lớn đến thị trường. Về vấn đề này, ông Ngọc phân tích: Hiện việc lãi suất từ Mỹ, lợi suất trái phiếu từ châu Âu có xu hướng tăng trở lại, và đó là thách thức với thị trường. Vì khi điều này xảy ra, dòng vốn ngoại thậm chí còn rút nhiều hơn. Hiện việc rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài chưa kết thúc. Nhưng có một điểm mà các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp dòng vốn ngoại ổn định hơn và thậm chí mua ròng trong thời gian tới.
Điểm thứ nhất theo ông Ngọc là chính sách tiếp tục nới lỏng tiền tệ của Cục dự trữ liêng bang Mỹ Fed, sự cam kết của họ là sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp hiện nay cho đến hết năm 2022, có nghĩa là họ sẽ trấn an được giới đầu tư, và lợi suất trái phiếu có thể tăng trong ngắn hạn.
Thứ hai là yếu tố nội tại của doanh nghiệp Việt và nền kinh tế Việt Nam, và chúng ta tự tin rằng năm 2021 sẽ là năm kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhất châu Á, vì chúng ta ít chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Ngoài ra, Việt Nam có một yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như thị trường chứng khoán. Việc chúng ta đã có luật mới được áp dụng và nhiều yếu tố khơi thông tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giảm bớt, room ngoại sẽ có nhiều doanh nghiệp được mở, có nghĩa nếu không có ngành nghề bị giới hạn thì sẽ được 100%, đây là yếu tố tích cực mà nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.
“Bên cạnh đó, yếu tố nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, thị trường chứng khoán được quan tâm phát triển, và yếu tố phát triển hơn là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, và đây câu chuyện riêng có của Việt Nam đã thu hút được nhà đầu tư nước ngoài trở lại thị trường. Mặc dù vậy chúng ta cũng không quá lo ngại nếu nhà đầu tư ngoại rút ròng. Chúng tôi cho rằng, vào quý 2, quý 3 năm nay, quá trình mua ròng sẽ quay trở lại. Điều này phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ngọc nhận định.
Dưới góc độ là cơ quan quản lý khi đánh giá về vấn đề này, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bày tỏ: “Tôi đánh giá nhà đầu tư khối ngoại có sự rút ròng trong năm 2020 là dễ hiểu. Lý do là hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp hạng ở mức thị trường cận biên, chưa phải là thị trường mới nổi. Còn tiêu chí đầu tư của nhiều tổ chức, các quỹ lớn ở nước ngoài, thì trong bối cảnh khủng hoảng, nguyên tắc của họ là rút bớt vốn từ thị trường có độ rủi ro cao hơn để chuyển về khu vực thị trường, hoặc các sản phẩm tài chính có độ an toàn cao hơn”.
Tuy nhiên bà Bình cũng kỳ vọng trong quý 2, thậm chí chậm nhất là quý 3 năm nay, dòng vốn sẽ quay trở lại. Lý do là các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn thấy rõ sự phục hồi của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong làn sóng dịch chuyển của dòng vốn ngoại vào thị trường mới nổi, thì Việt Nam, một nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm của dòng tiền ngoại trong năm 2021.
Kỳ vọng này không chỉ đến từ nền tảng vĩ mô ổn định, triển vọng tăng trưởng trung - dài hạn tích cực mà còn đến từ mức định giá hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù hiện nay mức P/E của Vn-Index đã vượt lên mức P/E trung bình 5 năm của chính chỉ số này nhưng so với các thị trường khác trong khu vực thì vẫn đang ở mức hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ thu hút được thêm dòng vốn ngoại vào thị trường để đón đầu xu thế nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.