Nhiễu điều phủ lấy giá gương là đạo lý của người Việt
(DNTO) - Những ngày Sài Gòn giãn cách, với người nhập cư kiếm sống, quê hương, gia đình chính là nơi bình yên nhất với họ. Bởi vì quê hương cho dù có nghèo khó, cha mẹ cho dù có đói khổ vẫn không bao giờ chối bỏ núm ruột của mình.
Sáng qua đang ngồi làm việc nghe con trai rên rẩm có thằng bạn dưới quê lên Sài Gòn ở trọ đi làm. Phòng trọ chỉ có một khoảnh nền gạch để ngủ, không thể bày bếp, nên bạn ấy toàn ăn cơm hộp. Giờ giãn cách, tiệm cơm không bán, nó rối quá.
Đến chiều, lại nghe cô em đồng nghiệp “cầu cứu”, chị ơi em có thằng cháu ngoài quê ở trọ không có bếp, mà nhà em xài bếp âm nên không có bếp cho nó mượn. Hai chị em gọi qua, gọi lại mấy cuộc điện thoại, nhắn tới nhắn lui mấy chục cái tin mới mượn được cái bếp ship về từ Thủ Đức của một em trai cùng cơ quan.
Hàng quán đóng cửa mà phòng trọ thì không có bếp. Con số các bạn lâm vào tình trạng này không phải là ít. Hầu hết đây là những người từ các tỉnh đến TP.HCM học tập và lao động kiếm sống. Thực tế này làm tôi chợt nghĩ đến một giải pháp có tình có lý mà Chính phủ đã từng làm rất có hiệu quả là giải cứu người Việt Nam lao động ở nước ngoài về nước. Lúc đó trong nước tình hình dịch bệnh cũng rất căng thẳng, cũng có nhiều luồng dư luận trái chiều cho rằng làm vậy không khác nào “nhập” bệnh về nước. Nhưng không thể bỏ rơi đồng bào mình trong lúc lâm nguy, nên Chính phủ đã hết sức dốc lòng tổ chức nhiều chuyến bay giải cứu.
Trộm nghĩ, có thể trong tình hình này các tỉnh cũng nên làm như vậy: “Giải cứu” dân mình. Sài Gòn đang giãn cách. Những ngày này không thể ra đường kiếm tiền, mà tiền nhà trọ vẫn phải đóng, mọi thứ chi tiêu tối thiểu vẫn phải chi. Các bạn mong được về quê để có một điểm tựa tinh thần lẫn vật chất.
Hơn lúc nào hết, trong tình cảnh này, quê hương, gia đình chính là nơi bình yên nhất cho mỗi phận người xa xứ. Bởi vì quê hương cho dù có nghèo khó, cha mẹ cho dù có đói khổ vẫn không bao giờ chối bỏ núm ruột của mình. Về nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Câu nói đứt ruột mà tôi đã từng nghe.
Tôi là người Sài Gòn nhưng đã từng có rất nhiều năm ở quê. Tôi từng và mãi mãi xem cái cù lao sông nước ấy là quê hương, máu thịt của mình. May mắn sau nhiều năm trở về Sài Gòn, tôi cũng đã có nhà cửa, công việc ổn định, con cháu quây quần xung quanh. Trong những ngày này, tôi chỉ có nỗi nhớ thương quê và lo lắng cho bạn bè, chứ không lo thiếu đói. Còn dân mình ở trọ kiếm kế sinh nhai, nay vừa thất nghiệp, vừa sợ bệnh, vừa nhớ nhà, vừa sợ đói. Phải ở trong hoàn cảnh của họ hoặc tận mắt chứng kiến mới hiểu hết.
Cho nên, nhu cầu muốn về quê của người nhập cư trong thực tế lúc này là rất lớn, là có thật. Bằng chứng là khi nghe tin Sài Gòn giãn cách, nhiều người dân “tháo chạy” về quê nghẹt đường. Cho nên cần có một phương pháp bài bản hơn, an toàn hơn.
Nghe tôi trình bày ý nghĩ của mình, cô em từ quê nhắn lên: "Chỗ em có một số người về từ trước khi Sài Gòn giãn cách. Ai thấy họ cũng sợ. Đến nhà ai cũng bị người ta từ chối giao tiếp, có khi khiến chủ nhà lớn tiếng dẫn đến mích lòng nhau. Hôm qua em đọc trên group quê nhà nghe một bạn hỏi ý kiến tỏ ý muốn về quê thì liền bị bao nhiêu comment từ chối, thậm chí “ném đá” tơi bời, cho rằng đó là suy nghĩ thiển cận, là ích kỷ…". Đọc mà rưng rưng.
Một bạn trẻ khác kể: “Ở quê con, nhiều người về gần đến quê gặp chốt “khó” quá không cho qua. Ngó bên kia xa xa, nhìn thấy quê nhà mà đành nuốt nước mắt quay trở lên thành phố".
Với người nhập cư kiếm sống, dịch bệnh đã khổ lắm rồi, đã lo sợ bất an lắm rồi, giờ phải cõng thêm sự tủi thân nếu bị chối bỏ, họ sẽ rất tội.
Nhưng biết làm sao được, chỉ là vì ai cũng sợ dịch bệnh, sợ quá đâm ra có khi thành cạn nghĩ, chứ đâu có ai kỳ thị, hắt hủi gì đâu. Với các bạn muốn về quê mà không về được, các bạn chịu khó ở lại Sài Gòn, tuân thủ lệnh giãn cách của Chính phủ. Rồi mọi việc sẽ ổn. Sài Gòn đã cưu mang bao nhiêu người tha hương tứ xứ, Sài Gòn chưa bao giờ từ bỏ ai. Trong đối tượng cần hỗ trợ giúp đỡ, các bạn là một trong những thành phần ưu tiên mà. Nhiễu điều phủ lấy giá gương là đạo lý của người Việt.