Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn trở lại với 'Linh ứng'
(DNTO) - Dành thời gian khá lâu cho kịch bản phim, mới đây, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã trở lại văn đàn qua tập tiểu thuyết Linh ứng dày 728 trang, gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả.
Vốn là tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn với các tác phẩm từng được nhiều độc giả mến mộ như: Những khoảnh khắc còn lại, Đứng trước biển, Cù lao Tràm, Yêu như là sống..., thời gian sau này, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đình đám với các kịch bản phim tạo tiếng vang: Đồng tiền xương máu, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô... Sự trở lại của ông với văn chương ngay từ đầu đã nhận được sự chờ đợi, đặc biệt hơn khi đề tài khai thác khá hấp dẫn, ly kỳ cuốn hút.
Tập sách ghi lại hành trình tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Minh Khôi (anh trai tác giả) bằng phương pháp ngoại cảm, nhưng tác phẩm "Linh ứng" của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn không chỉ là câu chuyện tâm linh mà còn giàu chất văn học, mang tính lịch sử về một thời kỳ hào hùng của dân tộc.
Trong đó, tác giả dùng ngòi bút kể câu chuyện có thật về hành trình của gia đình mình khi đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi - người anh trai của ông đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt, với những tình tiết ly kỳ, bí ẩn đến mức nếu không được kể lại bởi người trong cuộc, hẳn chúng ta sẽ hoài nghi.
Giống như đa số người khác, trước khi bước vào hành trình tìm mộ anh trai mình bằng phương pháp ngoại cảm, tác giả cũng mang tâm thế của người theo “chủ nghĩa duy vật” nên ông xem đây như là “cứu cánh cuối cùng”. Trong cái ma trận thật – giả của thế giới tâm linh, tác giả cũng có những trải nghiệm không mấy tốt đẹp với các “nhà ngoại cảm rởm”. Nhưng cuối cùng, chính sự linh thiêng của hương hồn các liệt sĩ đã dẫn lối cho người thân tìm kiếm được di cốt của họ.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - con người giàu vốn sống với cuộc đời nhiều thăng trầm, từ “chàng trai phố cổ”, người công nhân mỏ rồi lang bạt tới miền Nam và bén rễ với mảnh đất này, va chạm với đủ mọi hình thái kinh tế, thể chế, khốn đốn của dư luận lại nhận tác phẩm của mình chính là “hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh”. Điều đó làm cho cuốn sách mang một màu sắc mới: không liêu trai chí dị mà dần vén bức màn bí ẩn về thế giới tâm linh dưới ánh sáng của một con người luôn sống với niềm tin vào khoa học.
Ngoài việc thu hút người đọc bằng hành trình tìm mộ với những tình tiết ly kỳ và siêu thực, “Linh ứng” còn là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Khôi - hiện thân của tuổi trẻ giàu lý tưởng, không ngại dấn thân, không ngừng cống hiến để viết nên khúc tráng ca của dân tộc.
Với lối kể chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tác giả đã khắc họa lên hình ảnh chàng trai Hà Nội tài hoa, một người lính dũng cảm, kiêu hùng và lãng mạn. Sinh ra trong giai đoạn đất nước khó khăn, chàng trai trẻ Nguyễn Minh Khôi đại diện cho một thế hệ thanh niên Việt Nam đi theo tiếng gọi cứu quốc. Dù được gia đình sắp đặt cho một tương lai tươi sáng hơn, nhưng chàng trai trẻ ấy lại chọn xung phong ra chiến trường, với lý tưởng “người ta chỉ sống có một lần, phải biết sống sao ra sống, để không phải hối hận”.
Bên cạnh nhân vật chính, người đọc cũng sẽ nhìn thấy phố cổ và con người Hà Nội hiện lên như những thước phim sống động, hào hoa của những năm 1940 với những điều vừa quen, vừa lạ như bãi giữa sông Hồng, xóm chợ Đồng Xuân – Bắc Qua... Trên tất cả là tình người gắn bó giữa những đứa trẻ, những gia đình sinh sống tại đây. Những đứa trẻ lớn lên cùng nhau, dù con đường họ lựa chọn khác nhau nhưng đã luôn sát cánh, hỗ trợ và tin tưởng nhau như Huy Lạc, Danh Hùng, Minh Khôi… Dù đến phút cuối, trên chiến trường, hoàn cảnh bắt buộc họ phải đứng trên hai chiến tuyến khác nhau, hướng nòng súng vào nhau nhưng đến khi hy sinh, họ vẫn ở bên cạnh, bảo bọc cho nhau.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng dư âm của nó vẫn còn. Cái giá phải trả cho hòa bình cũng đầy đau thương và nước mắt từ nhiều phía. Đó là người cha – chiến sĩ tình báo đã phải từ bỏ người vợ tào khang để kết hôn với một người bên kia chiến tuyến, mang nỗi hối hận vì không thể thành thật với gia đình cũng như người con trai đã chết của mình. Đó là người em dành 40 năm tìm mộ của người anh trai, và người đồng đội trở về với dư chấn của chiến tranh, sống nửa tỉnh nửa mê…
“Linh ứng” đề cập câu chuyện quá khứ nhưng lại mang hơi thở của thời đại, nói chuyện cõi âm nhưng vẫn ngồn ngộn hơi thở của cõi dương để khắc họa nên câu chuyện giành độc lập của dân tộc, và những người còn ở lại dù như thế nào cũng vẫn luôn nhớ về những người thân yêu, những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.