Người khoác lên sứ vẻ đẹp xuyên thời gian
(DNTO) - Sản phẩm từ men sứ tự thân nó đã là một tác phẩm nghệ thuật nhưng khi người họa sĩ điểm trang thêm bằng những bức tranh, sản phẩm đó trở nên sinh động và quyến rũ hơn nhiều. Và hơn cả hội họa thông thường, những tác phẩm trên sứ của họa sĩ Hồng Đức Thanh đạt đến sự hòa quyện hoàn hảo của thân và tâm.
1. Trong suốt câu chuyện, họa sĩ Hồng Đức Thanh (bút nghệ Hồng Mễ Xuyên) luôn cho rằng cuộc đời mình thật may mắn, vì ở những thời điểm quan trọng anh đều gặp được quý nhân.
Đó là lần đầu tiên, khi vừa đặt chân tới Na Uy, cô giáo dạy vẽ chú ý đến một chàng thanh niên người châu Á, thỉnh thoảng tới nhìn lớp học qua khung cửa và mê mải ngắm từng nét vẽ của các bạn. Lập tức cậu được cô cho cầm thử cây bút vẽ. Đối với người Hoa, hầu hết từ nhỏ đều được cầm chiếc bút lông để tập vẽ thư pháp, nên cách cầm bút, nét vẽ đã thấm vào hồn cốt. Sau 2 tuần cho học thử, cô giáo nhận thấy tố chất đặc biệt của Hồng Đức Thanh và giới thiệu anh cho nghệ nhân Borghild Huseby. Nhìn tác phẩm đầu tiên của Hồng Đức Thanh được vẽ trên bình hoa, Borghild Huseby bảo: “Con dư khả năng mở được lớp dạy vẽ”. Và bà đã nhường lại một lớp để anh vừa phát huy năng khiếu, vừa có thu nhập riêng.
Với 5 học viên lớp dạy vẽ đầu tiên, sau 1 năm rưỡi, anh mở được 12 lớp, với hơn 100 học viên. “Mỗi lớp tôi chỉ nhận 8-10 người. Tôi còn nhớ thời điểm đó, có học viên đang mang bầu cũng không dám nghỉ vì sợ mất chỗ. Sau này, tôi phải ngưng nhận học viên vì lớp được mở trong nhà bà Borghild Huseby đã không còn đủ chỗ”, anh kể lại.
2. Mặc dù ngành hội họa trên sứ phát triển khá mạnh châu Âu ở thời điểm đó nhưng cội nguồn của nó lại ở Trung Quốc với lịch sử hàng ngàn năm. Nên dù đã đạt tới trình độ làm thầy nhưng với Hồng Đức Thanh, anh luôn cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó trong cách vẽ, cách truyền nghề của mình, vì thế sau 4 năm mở lớp, khi cảm nhận khả năng sáng tác của mình đang bị bó hẹp lại, Hồng Đức Thanh chọn tới Đài Loan để học tiếp.
Thời gian tu học ở Đài Loan, anh tập trung theo học bút pháp của người Hoa, lĩnh hội được mạc cốt bút pháp của Lĩnh Nam - một họa phái bắt nguồn từ trường phái cách tân trong hội họa của Trung Hoa, hình thành ở Quảng Đông vào cuối đời Thanh. Phong cách của trường phái này là vừa mô phỏng cổ nhân, vừa tiếp thu tinh hoa của thời đại.
Trở về Na Uy, anh chọn lọc những gì tinh túy nhất đã được học, tự tạo ra nét riêng cho mình, đó là sử dụng công bút của Đức, bút pháp của Trung Quốc và màu loang hiện đại, phóng khoáng của nước Mỹ. Cư dân ở Na Uy và đồng nghiệp đã đặt tên cho trường phái của anh là Brumunddal - tên thị trấn nhỏ của Na Uy. Năm 1995, khi dự thi quốc tế ở Đức, trường phái này đã chính thức được quốc tế công nhận.
Bút pháp Lĩnh Nam mạc cốt, được hiểu là bút pháp không xương, sáng tác không cần kết cấu mà hoàn toàn bằng cảm xúc của người họa sĩ. Vẽ tới đâu, sáng tác tới đó, không cần sắp đặt trước. Mọi thứ cứ tuôn trào từ cảm xúc của trí óc tới ngòi bút của người cầm cọ. Vì thế, một tác phẩm đạt đến sự trọn vẹn về mặt thẩm mỹ, sự tinh túy từ nét vẽ và sự thăng hoa trong lối vẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của người họa sĩ.
3. Với Hồng Đức Thanh, tác phẩm của anh đều khá đặc biệt, nét vẽ hầu hết rất mỏng, nhẹ, thanh thoát, đủ sắc màu nóng lạnh, truyền thống pha lẫn hiện đại. Mỗi một bức vẽ trên sứ đều là một tác phẩm nghệ thuật điêu luyện, công phu và không trùng lắp.
“Sở trường của tôi là hoa. Thực ra, vẽ hoa khó hơn các loại tranh khác nhưng người họa sĩ được tự do sáng tác hơn, vì vậy họ sẽ phiêu hơn, bay bổng hơn. Bức tranh tôi vẽ nhanh nhất chỉ mất 27 phút, đó là tác phẩm hoa hồng trên bình thủy tinh”, họa sĩ Hồng Đức Thanh cho biết. Tại khu vườn của nhà bà Borghild Huseby – người mẹ thứ 2 của anh, 150 loài hoa đã được sưu tầm và nuôi dưỡng. Với anh, đó chính là nguồn cảm xúc vô tận cho những sáng tác của mình.
Vẽ trên sứ khó hơn trên các loại hình khác rất nhiều, nhất là sứ càng tốt, càng trơn bóng thì càng khó vẽ, nếu chỉ phiêu lưu theo cảm xúc mà không chú trọng yếu tố kỹ thuật, rất có thể tác phẩm đó không thành công. Họa sĩ Hồng Đức Thanh đã từng vẽ 7/10 chiếc bát sứ được coi là mỏng nhất thế giới khi mỏng hơn cả vỏ trứng. “Chỉ cần một chút phân tâm, dùng sai lực bút thì màng sứ sẽ vỡ tan. Vô cùng khó nếu người họa sĩ không đủ kiên nhẫn và tình yêu với nghệ thuật”, anh cho biết.
Màu vẽ chính là một loại men. Khi hoàn tất phần vẽ, sản phẩm đó được đem vào nung cả ngày ở nhiệt độ 850 độ C. Nếu sản phẩm đó “vượt qua cửa ải cuối cùng” là đi qua lò nung mà không bị vỡ, màu sắc trên những tác phẩm hội họa đó sẽ tồn tại vĩnh cửu với thời gian.
Và cũng ít ai biết được rằng, họa sĩ Hồng Đức Thanh là người Việt đầu tiên vẽ tranh lên ấm tử sa (loại ấm được làm hoàn toàn bằng thủ công, từ đất sa hiếm có ở vùng Nghi Hưng, Trung Quốc được sử dụng để pha trà theo phong cách trà đạo). “Vẽ trên ấm tử sa rồi đem nung lại lần 2 là một sự mạo hiểm, nhất là với những bộ có giá cả vài trăm triệu đồng. Rất khó để cho ra được tác phẩm hoàn thiện nhưng tôi chưa từng thất bại tác phẩm nào, đó là bí quyết của sự khống chế nhiệt độ và kinh nghiệm hơn 45 năm”, anh cho biết.
Đối với một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ đơn giản là sắc màu được gói gọn trong một bức tranh, mà hơn thế, sự thăng hoa khi sáng tác tác phẩm đó chỉ đến một lần duy nhất trong đời người họa sĩ. Giá trị bởi sự duy nhất của cảm xúc và tài năng là thứ mà không thể đong đếm và so sánh được bằng bất cứ điều gì.
Họa sĩ Hồng Đức Thanh từng tham gia các triển lãm trên khắp thế giới và được nhận được nhiều giải thưởng tại ở các cuộc thi quốc tế lớn như: Brazil, Ý, Mỹ, Thuỵ Điển, Pháp, Trung quốc, Nhật bản...
Từ năm 1983, họa sĩ Hồng Đức Thanh được Trường Floke Universitetet (Na Uy) mời về làm giáo viên và anh cũng được mời giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới. Anh đã mở một trường tư Art Thanh Hong.as tại Na Uy, như là một cách để trả ơn mảnh đất mình đã sinh sống và làm việc gần 50 năm qua. Hồng Đức Thanh cũng là người Việt Nam đầu tiên ở Bắc Âu thành lập đoàn lân Việt Nam và vẫn hoạt động đến ngày nay, gần 43 năm.