Ngày Tết bàn chuyện uống trà với Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm
(DNTO) - Ngày Tết mà thiếu Trà là thiếu đi hương vị đậm đà của ngày xuân. Trong ngày đầu xuân mới, ở gia đình Việt không thể thiếu ấm trà nồng thơm, tạo không khí hân hoan và thân mật, bên nhau chia sẻ nhiều câu chuyện ý nghĩa.
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm - người đã dành hơn 30 năm, để nghiên cứu về các loại trà của Việt Nam và trên thế giới, sự tâm huyết của chị không chỉ với truyền thống thưởng trà của dân tộc, mà còn hòa chung với dòng chảy của văn hóa thế giới. Chị đã dành thời gian đi nhiều nơi, từ trang trại trồng chè trong nước đến ngoại ô quốc tế, nhằm tìm hiểu và sưu tập từng loại trà quý. Chị nắm vững thông tin về cách thu hái và chế biến trà đặc biệt từ mỗi vùng đất.
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Người Việt từ xưa coi trà như lẽ sống, là người bạn tri âm, gắn kết mối quan hệ, giữa người với người, mà còn là biểu tượng đề cao lễ nghĩa, văn hóa ứng xử, kính trên nhường dưới trong đời sống. Trà không hẳn là thức uống mà còn là một biểu tượng văn hóa”.
Không chỉ là người nắm giữ kỷ lục thế giới với 1.000 ấm tử sa, đa dạng về kiểu dáng và niên đại, chị còn dành hơn nửa cuộc đời mình với việc nghiên cứu, sưu tầm các loại trà nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là trà Việt Nam. Trong số những loại trà chị dày công nghiên cứu, có 2 loại trà đặc biệt là “Thiên xuân cổ thụ trà” và “Diệu bảo liên hoa trà”.
Thiên Xuân Cổ Thụ Trà, hay còn gọi là trà cổ thụ, xuất hiện ở vùng núi Tây Bắc, với sương mù dày đặc, bao phủ cùng độ cao vươn tới 2200 - 2600m, so với mực nước biển, tạo nên một môi trường đặc biệt, góp phần tạo nên hương vị, đặc trưng của Thiên Xuân Cổ Thụ Trà. Nó không chỉ đến từ quá trình hái, thu hoạch, cẩn thận từ cây hơn ngàn năm tuổi, mà còn là sự kết hợp tinh tế, giữa tài năng và đam mê của những nghệ nhân làm trà.
Diệu Bảo Liên Hoa Trà, cần tới 2240 bông hoa sen để ra thành phẩm 1 kg trà. Trà được sấy lạnh cùng với gạo sen, và sau 10 ngày, mới có được, một mẻ trà thơm ngát...
Điều đặc biệt của trà không chỉ nằm ở hương vị, mà còn ở nghệ thuật của người làm trà. Từ việc trồng sen, ướp trà đến quá trình thu hoạch, đều được thực hiện hoàn toàn bằng bàn tay, của người nông dân và nghệ nhân làm trà. Khi thưởng thức trà, chúng ta không chỉ cảm nhận hương thơm đặc trưng, và vị ngọt thanh của trà sen, mà còn tôn vinh tâm huyết của người làm trà, đã gửi vào từng tách trà".
Trải qua nhiều thăng trầm, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm vẫn duy trì tình yêu sâu sắc với trà, có thể coi như là định mệnh. Hành trình của chị không chỉ là sự sưu tập, mà còn là mong muốn chia sẻ tri thức trà với tấm lòng chuyên sâu. Chị hy vọng rằng những người trồng trà Việt có thể phát triển một cách khỏe mạnh cùng với cây trà của họ, và người uống trà Việt có thể thưởng thức những sản phẩm trà ngon, có lợi cho sức khỏe và có giá trị hợp lý.
Khi được hỏi về ước mơ lớn nhất, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm chia sẻ: "Tôi mong muốn Việt Nam có một Viện nghiên cứu và phát triển trà Việt, hoặc trường đào tạo trà chính quy, để mọi người đam mê trà có cơ hội nghiên cứu và học tập. Để từ đó chúng ta phát triển văn hóa trà Việt ra vươn tầm thế giới. Văn hoá thưởng trà của người Việt trong những dịp Tết đến xuân về không chỉ là nghệ thuật văn hóa, mà còn là nét đẹp truyền thống cần được tiếp tục gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ mai sau".