Năm nay táo có về trời?
(DNTO) - Một sự kiện không thể thiếu trong chuỗi sự kiện ăn Tết của bao thế hệ người Việt ta từ lâu đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đó là tục “Đưa ông táo về trời”.
Đưa ông táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm là một sự kiện được mọi người mong đợi nhất. Vì nó đánh dấu thời khắc chúng ta mở cánh cửa bước vào không gian Tết. Bắt đầu từ đây đã thấy Tết hiện diện khắp mọi nơi, trên các nẻo đường, trong từng ngôi nhà, gian bếp và trong lòng mỗi một con người.
Tùy theo từng vùng miền mà cách thức đưa ông táo có khác nhau. Mâm cỗ cúng cũng được bày trí khác nhau nhưng đặc biệt là không thể thiếu con cá chép dùng như là một “phương tiện giao thông” cho ông táo cưỡi về trời.
Tuy nhiên, đó là về sau này khi có sự giao thoa giữa hai miền chứ trước đây đưa ông táo ở miền Nam, hầu như không thấy nơi nào cúng cá chép. Là người con phương Bắc, trôi dạt về tận vùng sông nước phương Nam, ông tôi đã bày cho bà con ở đây tục đưa ông táo về trời bằng cá chép. Có thể chỉ xóm nhà ngoại tôi là nơi duy nhất ở miền Tây làm việc này.
Thuở sinh tiền, ông tôi thường tận dụng cái ao nhỏ sau nhà để thả nuôi cá chép. Hằng năm cứ đến ngày đưa ông táo, ông tôi quăng chài kéo cá biếu cho bà con hàng xóm mỗi nhà mấy con mang về dâng ông táo cưỡi lên trời. Tôi còn nhớ ông tôi quăng chài rất điệu nghệ, miệng chài xoay tròn chụp xuống mặt nước rồi từ từ chìm hẳn. Sau khi giũ nhẹ mấy cái cho miệng chài gom lại, ông thong thả kéo chài lên, những con cá chép vàng óng ánh mắc kẹt trong chài, ra sức giãy giụa. Chị em ngồi chờ sẵn giành nhau gỡ cá cho vào thau. Sau khi biếu bà con giáp xóm, còn một ít, ông rộng lại để dành ăn Tết rồi phơi ao cho tới ra Giêng, lại thả lứa cá khác. Cái ao cá chép sau khi ông mất, nó được các cậu tôi lấp lại xẻ liếp trồng cây.
Sau này khi việc đưa ông táo về trời bằng cá chép đã phổ biến khắp mọi vùng miền, mỗi năm đến ngày đưa ông táo, má tôi cũng ra chợ mua cá chép về cúng xong đem chúng đi phóng sinh. Mỗi lần nhìn ba con cá chép lượn lờ trong cái chậu sành đặt bên mâm cúng, tôi rất nhớ ông tôi.
Khác với mâm cỗ đưa ông táo ở miền Bắc phong phú với vàng mã, nhang, hoa quả, trầu cau, gà luộc, xôi chè, chân giò, các món nấu nấm, măng... mâm cúng ở miền Nam đơn giản hơn nhiều nhưng nhất định phải có dĩa “thèo lèo cứt chuột”.
Thèo lèo là một tên gọi khác của kẹo đậu phọng (kẹo lạc) là một hỗn hợp gồm đường mạch nha đã kết keo và đậu phọng rang chín giòn trộn đều đổ ra mâm, cán mỏng rồi cắt ra thành từng miếng vừa ăn. Khi nó được bày chung với kẹo mè đen (kẹo vừng) trên mâm cúng đưa ông táo thì bọn trẻ chúng tôi có món “thèo lèo cứt chuột” rất hấp dẫn. Hấp dẫn đến độ, cứ loanh quanh gần đó, chờ nhang tàn để được má chia cho mỗi đứa mấy “cục” mới hả hê.
Bây giờ, cứ đến ngày đưa ông Táo, tôi cũng sắm sanh vài món gọi là cho có lễ vật như một thói quen cố gìn giữ. Nhà không có con nít để chực chia thèo léo cứt chuột đã buồn, nhìn gian bếp quạnh hiu không lửa khói càng buồn hơn. Nhìn mấy sợi khói mỏng tang bay lên từ đốm lửa nhỏ xíu lập lòe trên đầu cây nhang không dưng tôi đâm nhớ mùi khói bếp, nhớ ánh lửa bập bùng, nhớ tiếng củi reo tí tách…
Giữa thời đại của bếp từ, bếp điện, đến một ngọn lửa bếp cũng chỉ là ký ức, chỉ là nỗi nhớ mông lung. Giữa thời đại của nhà cao tầng, của căn hộ chung cư không được phép khói nhang, không biết đến khi nào thì “đưa ông táo về trời” sẽ thuộc về quá vãng.
Tự nhiên tôi tào lao xí đế mà rằng: Thời đại 4.0, chỉ cần ngồi tại chỗ gửi email, nhoáng cái là báo cáo lên đến thiên đình, đi làm gì cho nắng nôi lâu lắc. Hay Ngọc Hoàng và các táo bày ra họp online cũng không biết chừng (Có cần trang bị cho táo cái laptop không nhỉ?).
Dẫu sao thì giữ gìn một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc trong những ngày Tết cổ truyền cũng là một việc nên làm. Cho dù táo có về trời theo “phương pháp cổ truyền” hay gửi thông tin bằng phương tiện điện tử, cũng mong rằng táo hãy về tâu với Ngọc Hoàng, nhân loại đang lao đao vì Covid-19 hoành hành, mong ngài ban cho toàn thể con người trên trái đất một sức mạnh, niềm tin và nghị lực để cùng nhau vượt qua và chiến thắng dịch bệnh hướng tới một thế giới hòa bình, an lạc, đoàn kết và thương yêu nhau.