Muji - Biến sự cầu kỳ thành đơn giản

(DNTO) - Muji là câu trả lời cho những ai đang chán chường bởi thị trường tiêu dùng đầy sự lãng phí và thiết kế bát nháo. Triết lý thiết kế sản phẩm của Muji là một chủ đề rất thú vị.

Cửa tiệm và những sản phẩm đầu tiên của Muji, bao gồm nấm vụn, cá không hoàn hảo đóng hộp.
Mỗi lần ghé thăm các khu mua sắm, tôi thường choáng ngợp giữa hàng loạt bảng hiệu chói lóa, ánh đèn rực rỡ. Giữa cảnh xô bồ đó, không gian ấm áp dịu nhẹ của cửa hàng Muji là một góc trú ẩn hiếm có.
Như tôi, nhiều người bị không gian dễ chịu của Muji thu hút. Vài khách hàng nhẹ nhàng dạo qua các quầy hàng; các bạn trẻ thư giãn bên bộ bàn ghế gỗ, nhâm nhi các món ăn bán tại cửa hàng, thử tay những cây bút mới mua. Từ khách hàng đến người phục vụ đều có vẻ thoải mái, thư thái, trái ngược với cảnh chộn rộn bên ngoài.
Trải nghiệm đó phản ánh tính chất của Muji, một thương hiệu Nhật Bản tham gia vào thị trường Việt Nam từ 2020, và nhanh chóng chiếm vị trí đặc biệt trong lòng người tiêu dùng.
Triết lý Muji: Chỉ thế này là đủ!
Muji được thành lập từ 1980, với cái tên viết tắt của "Mujirushi Ryohin", mang ý nghĩa "Sản phẩm chất lượng cao, không nhãn hiệu". Hãng ra đời như câu trả lời cho những ai đang chán chường bởi thị trường tiêu dùng đầy sự lãng phí và thiết kế bát nháo.
Triết lý thiết kế sản phẩm của Muji là một chủ đề rất thú vị. Kể từ khi sáng lập đến nay, Muji vẫn giữ vững triết lý phát triển sản phẩm bằng cách "gọt đẽo" những thứ phù phiếm không cần thiết để lộ dần ra bản chất thuần túy, tinh tế của từng sản phẩm. Đó là một nỗ lực mang tính logic, tự suy ngẫm, để tìm kiếm "Chỉ thế này là đủ".

Thiết kế của Muji nhẹ nhàng, thanh thoát và bền bỉ với thời gian.
Những sản phẩm của Muji có đường nét đơn giản, không thiết kế cầu kỳ hay cần tính năng đột phá, và hoàn toàn vắng bóng nhãn mác. Thế nhưng, chúng có vẻ gì đó tự nhiên hơn. Thiết kế của các sản phẩm Muji không quá nổi bật, giúp chúng hòa vào bất kỳ không gian sống nào, dù gu trang trí của bạn khác biệt đến đâu. Những tông màu chủ đạo như trắng, nâu, kem hay be ấm cúng mang lại cảm giác thư giãn.
Sử dụng sản phẩm của Muji cho tôi cảm giác thỏa mãn, biết rằng chúng sẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình mà không gây trở ngại. Dường như từ đó, một mối quan hệ lạ thường được tạo ra với những vật dụng khiêm tốn, khiến chúng trở nên thân quen, dễ mến.
Đôi khi không có nhu cầu gì, tôi vẫn thích đến cửa hàng Muji để thư giãn với hương tinh dầu thơm thoảng, âm nhạc tươi vui và một góc cà phê nghỉ chân ăn vặt nhè nhẹ, như đang ghé thăm một căn hộ ấm cúng. Bằng cách nào đó, Muji khiến tôi cảm nhận đây mới là cách sống lý tưởng nhất.
Theo Kenya Hara, nhà thiết kế nổi tiếng của thương hiệu này, tính đơn giản của Muji đi theo triết lý ”Hư không”. Có nghĩa, các sản phẩm Muji được tạo ra như một “bình chứa” ý tưởng của người sử dụng. Những thiết kế như thế có khả năng nhẹ nhàng hòa nhịp vào sinh hoạt hằng ngày.
Chẳng hạn Muji không tạo ra một cái bàn cà phê, hay một cái bàn cho riêng người già hoặc người trẻ, mà chỉ là một cái bàn, sử dụng nó như thế nào là tùy theo ý bạn. Tương tự, chiếc ghế sofa vải hạt xốp, êm ái đến mức các fan hâm mộ đặt cho cái tên "ghế nuông chiều", có thể được sử dụng như ghế dựa lưng hay giường nằm. Hay những chiếc vớ góc vuông, vừa vặn với chân mà cũng dễ dàng gấp gọn trong tủ quần áo.
Thú vị thay, hình ảnh "Nhãn hiệu không nhãn hiệu" của Muji đã trở thành một sự độc đáo khó thể nhầm lẫn. Bạn có thể nhìn thấy ai đó mặc một chiếc áo trắng vải linen cực kỳ đơn giản, nhưng vẫn có cảm giác "Hình như đó là đồ của Muji thì phải?".
3 bước đến sự hoàn hảo
Sự giản đơn không có nghĩa không tốn công sức. Các sản phẩm của Muji là thành quả của các nhà thiết kế với một chặng đường dài. Muji nổi tiếng với cách kiến tạo sản phẩm luôn đi theo ba bước: Cẩn thận lựa chọn nguyên liệu, tối ưu hóa công đoạn sản xuất, và tối giản bao bì.
Với tính chất hiền hòa của Muji, nghiễm nhiên việc lựa chọn nguyên liệu cần phải thân thiện với môi trường. Những vật liệu "Chỉ thế này là đủ" thường là gỗ không quý hiếm, giấy và nhựa tái chế, cotton hữu cơ... Mỗi khi có thể, Muji lại tìm đến các nguồn sản phẩm và nguyên liệu có trong vùng bản địa. Tại Việt Nam, đó là những cái giỏ, hộp đựng bằng mây, vốn được ưa chuộng bởi người dùng trong nước cũng như khắp thế giới.
Thay vì thuê các hãng bên ngoài sản xuất, Muji tự đầu tư xây dựng các nhà máy may mặc, nhuộm vải thân thiện với môi trường ở Campuchia, tìm nguồn vật liệu từ Kenya, Kyrgyzstan, tất cả đều đi theo các chuẩn mực an toàn môi trường của Liên Hiệp Quốc và giảm thiểu lãng phí hết mức có thể. Hàng năm, Muji đều đặn đưa ra các bản báo cáo về tái chế và rác thải.
Bên cạnh tối giản thiết kế bao bì, Muji cũng thường xuyên xem xét để cắt giảm hơn nữa các loại nhãn mác, tài liệu in ấn, bảng hiệu. Việc này giúp họ giữ giá thành sản phẩm thấp một cách đáng ngạc nhiên, dù chất lượng vẫn giữ nguyên.

ReMuji - một chương trình thu thập quần áo cũ, làm mới lại bằng cách nhuộm màu chàm.
Ấn tượng hơn, trong suốt lịch sử của mình, Muji nhiều lần thực hiện những chương trình xã hội, vừa nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng, vừa thực hiện các hành động thiết thực. Như "ReMuji", chương trình thu thập quần áo cũ từ người dùng để tái chế, nhiều món được nhuộm màu chàm tự nhiên và bán lại cho khách hàng. Muji còn thí nghiệm với các sản phẩm chỉ sử dụng 80% nguyên liệu mà vẫn hữu hiệu.

Found Muji - Một chương trình tìm kiếm những sản phẩm có sẵn trong cộng đồng khắp nơi trên thế giới.
Có khi họ mở chương trình "Found Muji", tìm kiếm trong cộng đồng dân cư những sản phẩm chất lượng và vinh danh chúng trong các bảo tàng mini.
Sự đơn giản của Muji ẩn giấu vô vàn công phu đổ vào chăm chút, nhào nặn những sản phẩm không nhãn hiệu. Thế nhưng sự thành công của Muji, với hàng ngàn sản phẩm, hàng trăm cửa hiệu trên khắp thế giới, cho thấy thông điệp “Chỉ thế này là đủ” đã được người tiêu dùng thấu hiểu.