Lãi suất trái phiếu ngân hàng tháng 11 nhích tăng, liệu thị trường có ấm?
(DNTO) - Lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng lên, đặc biệt là nhóm ngân hàng có xu hướng nhích lên sau nhiều tháng chỉ đi ngang.
Thống kê từ MBS cho thấy, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 11 tháng đầu năm nay đã đạt 8,5%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022.
Nếu nhóm bất động sản tiếp tục dẫn đầu trong 11 tháng đầu năm (tính đến ngày 22/11), với lãi suất bình quân gia quyền 9,7%/năm, kỳ hạn bình quân là 3,6 năm thì nhóm ngân hàng dẫn ngay sau với lãi suất bình quân gia quyền 6,8%/năm, kỳ hạn bình quân 4,5 năm.
Ba ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành là Ngân hàng Á Châu có trên 18 nghìn tỷ đồng; Ngân hàng Kỹ thương trên 15 nghìn tỷ đồng và Ngân hàng Công thương trên 12 nghìn tỷ đồng.
Tính riêng trong tháng 11, lãi suất phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng bắt đầu có xu hướng nhích lên sau nhiều tháng chỉ đi ngang, gần như không có sự thay đổi, lợi suất vào khoảng 6,4 - 8%.
Đây vốn là nhóm hút mạnh dòng tiền nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 47% toàn thị trường tính từ đầu năm, và với việc lãi suất đi lên, nhóm này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động của các ngân hàng đang giảm mạnh, thị trường chứng khoán vẫn trong nhịp điều chỉnh.
"Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy lãi suất huy động của ngân hàng khó giảm thêm nữa", Chứng khoán MBS nhận định.
Ngoài ra, chính các tổ chức tín dụng cũng đang dẫn đầu thị trường về hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn. Mười một tháng đầu năm, khoảng 197 nghìn tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 47% tổng giá trị. Bất động sản và xây dựng lần lượt chiếm 15% và 14%, một khoảng cách khá xa.
Có thể thấy, việc dư thừa thanh khoản khi tăng trưởng tín dụng đang khá chậm đang cho phép các nhà băng có nhiều thuận lợi trên thị trường trái phiếu.
"Hoạt động mua lại chủ yếu ở nhóm ngân hàng do dư thừa thanh khoản. Việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện hệ số an toàn vốn", chuyên gia của Yuanta nhận định.
Điều này góp phần giảm áp lực cho nhóm này và cho thị trường trong thời gian tới. Theo tính toán của MBS, tính đến ngày 21/11, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tổng giá trị vào khoảng 192 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.
Tính từ thời điểm đầu năm, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 233 nghìn tỷ đồng. Với việc hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ HNX đi vào hoạt động, vài tháng trở lại đây thị trường đã bước đầu ghi nhận sự sôi động trở lại, đặc biệt xu hướng phát hành đại chúng tăng trưởng mạnh, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành 11 tháng đầu năm nay vẫn giảm 8%.
Quy mô thị trường cũng khá khiêm tốn khi thống kê cho thấy, cuối quý 2 năm nay, quy mô thị trường so với GDP chỉ ở mức 11% trong khi ở các thị trường khác như Thái Lan là 27%, Singapore 27%, Malaysia là 54%, hay giai đoạn đỉnh điểm của năm 2021 là 15%.
Thời gian qua, nhiều chính sách mới đã được ban hành, sự ra đời như Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước hay Nghị định 08 của Chính phủ được nhận định sẽ góp phần quan trọng gỡ khó cho thị trường này, góp phần khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.