Kỹ năng sinh tồn giúp con người sống sót trong thảm họa
(DNTO) - Mấy hôm nay dư luận không ngừng xôn xao về việc bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, trú tại Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị rơi xuống vực sâu 30m ở Yên Tử (Quảng Ninh) và đã sống sót sau 7 ngày trong cảnh đói rét, tuyệt vọng.
Câu chuyện được nạn nhân kể lại như sau: Sáng ngày 27/4, bà Liên từ Hà Nội tới Yên Tử lúc gần trưa, mua vé cáp treo lên chùa Đồng. Trên đường đi xuống núi, bà bị chóng mặt, hoa mắt và bất ngờ ngã nhào xuống khu vực phía dưới.
Nơi bà rơi xuống là một phiến đá khá rộng. May mắn chiếc túi bà mang theo trong đó có chai nước, ít cơm cháy vẫn còn trên người.
Hôm ấy là một ngày Yên Tử có sương mù và mưa. Mưa khiến quần áo, giày dép ướt sũng, cả người bà lạnh cóng. Bà kéo mấy nhánh tre trúc bên cạnh phiến đá xuống tạo thành cái ô che phía trên. Sau đó, bà nhặt túi nilon người ta vứt rác để che chắn xung quanh cho mưa gió không tạt vào đồng thời làm nón che đầu, làm bao tay, làm tất để giữ ấm…
Thức ăn là gói cơm cháy được chia nhỏ để ăn dần, nước uống được bà gom trong các chai bị vứt xuống trước đó. Bà ăn cả cây ngải cứu rừng, lá rừng mọc ở xung quanh. Bà không ngừng kêu cứu bằng các tiếng động có thể tạo ra nhưng mưa và gió to khiến không ai nghe thấy. “Tôi nghĩ không thể đầu hàng được mà phải sống trở về với chồng con", bà Liên nói.
May mắn sáng sớm ngày 3/5, ông Nguyễn Minh Thuận, nhân viên Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, được giao nhiệm vụ canh gác trên đỉnh An Kỳ Sinh của núi Yên Tử, nghe thấy tiếng kêu cứu. Lúc được kéo lên, bà Liên vẫn tỉnh táo, sức khỏe ổn định.
Trong thực tế không phải không có trường hợp con người sống sót sau tai nạn một cách hy hữu, ngoạn mục. Có thể ghi nhận trường hợp của cô Annette Herfkens, người Hà Lan, là người duy nhất sống sót trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Hãng hàng không Vietnam Airlines gặp nạn ở thung lũng Ô Kha, gần Nha Trang vào ngày 4/11/1992. Chiếc máy bay đã bất ngờ đâm vào núi và rơi xuống một khu rừng. Annette Herfkens mắc kẹt giữa rừng già hoang vắng. Cô đã ở một mình trong rừng suốt 8 ngày, trên người đầy thương tích, kiệt sức, cô giành giật sự sống trong một không gian xung quanh đầy xác chết. Herfkens duy trì sự sống bằng việc uống nước mưa. Mới đây, trong cuốn sách có tựa đề “Turbulence: A Survival Story” (tạm dịch: Bất an - Câu chuyện về sự sinh tồn), Herfkens viết rằng: “Nếu bạn nghĩ sống sót sau một vụ tai nạn máy bay nghĩa là định mệnh đã trao cho bạn tấm vé may mắn, có lẽ bạn nên nghĩ lại…”.
Một trường hợp khác, Larisa Savitskaya, sinh viên sư phạm 20 tuổi, là người duy nhất sống sót sau khi rơi tự do từ độ cao 5.000m bởi cú va chạm máy bay trên bầu trời Viễn Đông (Liên Xô) vào ngày 24/8/1981.
Tỉnh lại trong nhiệt độ âm 30 độ C, Larisa cảm thấy bỏng rát. Cô nghe thấy tiếng la hét và tiếng rít của không khí xung quanh. Cô giữ chặt miếng đệm cánh tay và cố gắng dùng hết sức đẩy người ra khỏi ghế. Nhận ra nơi mình rơi xuống là một khu rừng taiga, cô cảm thấy căng thẳng nhưng rồi sau đó cố gắng bình tĩnh lại. Âm thanh đầu tiên Larisa nghe được là tiếng muỗi rừng. Larisa cảm thấy bị đau cột sống, gãy xương sườn, tay và chân, gãy răng và đau đớn toàn thân.
Đến tối, trời bắt đầu đổ mưa. Cô tìm một mảnh nhẹ của thân máy bay để trú ẩn và dùng áo phủ ghế để giữ ấm. Larisa uống nước từ những vũng nước mưa gần đó. Vì mất gần hết răng, Larisa không thể ăn…
Vào ngày thứ ba, khi nghe thấy tiếng máy bay trực thăng, Larisa lấy một tấm phủ ghế màu đỏ bắt đầu vẫy ra tín hiệu và được cứu. Lúc này cô đã kiệt sức. “Tôi luôn nghĩ rằng có thể học cách tồn tại trong những tình huống như vậy”, Larisa chia sẻ.
Trở lại trường hợp bà Liên, mặc dù bà Liên đã khẳng định: "Không có một lý do gì để tôi bịa. Tôi kể ra câu chuyện sinh tồn ở dưới vực sâu trong 7 ngày để những ai nếu có lâm vào hoàn cảnh như tôi thì sẽ thấy ý thức và kỹ năng sinh tồn là rất quan trọng", nhưng trong dư luận vẫn có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, câu chuyện đã được bà tô vẽ, thêm thắt thậm chí bịa đặt ra. Về việc này, còn phải có thời gian để làm sáng tỏ. Tuy nhiên, cho dù là chuyện thật hay sản phẩm của trí tưởng tượng thì nó cũng cho chúng ta một bài học về ý thức và kỹ năng sinh tồn rất đáng chiêm nghiệm.
Kỹ năng sinh tồn là những kỹ thuật mà một người có thể sử dụng để duy trì sự sống trong bất kỳ môi trường nào. Những kỹ thuật này nhằm cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản cho cuộc sống của con người bao gồm nước, thức ăn và nơi trú ẩn. Kỹ năng sinh tồn thường gắn liền với nhu cầu sống sót trong tình huống thảm họa.
Mà thảm họa thì trong cuộc đời của mỗi con người không ai có thể biết trước có bị hay không. Vì thế, rèn luyện kỹ năng sinh tồn cho trẻ từ rất sớm nên trở thành mối quan tâm hàng đầu của bố mẹ, gia đình, nhà trường và xã hội. Nhất là trong những ngày hè sắp tới với các hoạt động dã ngoại như cắm trại ngoài trời, di chuyển bằng các phương tiện máy bay, tàu xe… thậm chí đi bộ đường dài; tắm biển,cưỡi ngựa, câu cá và săn bắn… Tất cả đều có yếu tố rủi ro và đòi hỏi kỹ năng sinh tồn cơ bản, đặc biệt là cách xử lý các tình huống khẩn cấp.
Ý chí, kỹ năng sinh tồn nói nghe đơn giản nhưng quá trình rèn luyện không hề đơn giản chút nào. Nó bao gồm rất nhiều kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực mà chúng ta cần mỗi ngày vun đắp.
Tuy nhiên, yếu tố có tính cách quyết định ban đầu làm nền tảng cho quá trình chúng ta chiến đấu để duy trì sự sống khi gặp tình huống nguy hiểm lại chính là sự bình tĩnh.
Hoảng loạn khiến con người ta rất khó tìm ra giải pháp. Tập cho mình và dạy cho trẻ kiểm soát tốt cảm xúc, luôn giữ được bình tĩnh dù trong bất cứ tình huống nào. Đó là “xương sống” của kỹ năng sinh tồn.
Tóm lại, cuộc sống luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Việc trang bị kỹ năng sinh tồn là điều hết sức cần thiết và quan trọng.