Dạy con cách đối mặt, xử lý và vượt qua những bất trắc trong cuộc sống
(DNTO) - Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn của Hội quán các bà mẹ) từng nhận xét: "Người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới". Ý nói người lớn chúng ta ngày nay có xu hướng bao bọc con quá nhiều mà không cho con có cơ hội đối mặt với khó khăn thách thức và thất bại.
Tiến sĩ Karen Able, một nhà tâm lý học cũng đưa ra quan điểm tương tự: Khi đứa trẻ không được trao cơ hội để vật lộn với các khó khăn thì chúng sẽ không học được cách giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, để con trở thành những đứa trẻ can đảm, kiên cường, sẵn sàng đối mặt với thách thức, sẵn sàng vượt qua thất bại để trưởng thành, nhất thiết chúng ta phải trang bị cho con kỹ năng đối mặt, xử lý và vượt qua chứ không phải thái độ bỏ mặc, quát mắng hay cấm đoán như không ít phụ huynh đã làm.
Khi con chúng ta bị té ngã, hay làm rớt bể cái ly, cái chén hoặc học bị điểm kém, thái độ đầu tiên của chúng ta là sẽ hằn học: “Sao không biết cẩn thận, sao hư, sao dốt quá vậy…”, hoặc là chúng ta thờ ơ cho qua với ý nghĩ “tiến bộ” rằng nó tự vấp ngã thì nó tự đứng dậy, cho quen.
Xin thưa cả hai đều không phải cách. Quá trình con tự vấp ngã và tự đứng dậy, chúng rất cần sự chỉ dạy kỹ năng phòng tránh đối mặt và vượt qua như thế nào, chúng cần một điểm tựa giúp con gạt bỏ nỗi sợ hãi và tự tin đứng lên bước tiếp. Tất nhiên quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ… khác hoàn toàn với sự bao bọc.
Với các con trong độ tuổi mới lớn, nan giải hơn nhiều. Thông thường để “chắc ăn”, cha mẹ hay ra “tối hậu thư” cấm đoán con trẻ làm những việc mà họ cho rằng không nên hoặc chưa phù hợp với độ tuổi của các em.
Thay vì dạy con mình cách yêu, cách đối phó khi bạn trai đòi quan hệ, cách quan hệ tình dục an toàn, cách xử lý khi lỡ mang thai… thì ra lệnh “còn nhỏ không được tập tành trai gái, tao mà phát hiện là tao cho nghỉ học…”. Một số vụ án nữ sinh vứt trẻ sơ sinh từ tầng cao chung cư hay nhét khe tường, bỏ giữa ruộng rau một phần xuất phát từ việc thiếu kỹ năng phòng tránh thai cũng như không được trang bị cách đối mặt với khó khăn. Những cái chết thương tâm của một số học sinh khi thi trượt đại học hoặc bị điểm kém, cũng là vì các em chưa bao giờ được dạy thất bại hay sai lầm là một điều hết sức bình thường, rằng đó là cơ hội để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và tiếp tục tiến lên.
Đã mấy ai khi con học dở, tích cực tìm cách giúp con mình… thay vì “tao cho mày ăn cơm mà, sao mày ngu dữ vậy…”. Trường hợp cá biệt, con trẻ không thể “học nổi”, đã mấy ai giúp cho con có một hướng đi khác phù hợp hơn…, thay vì “lo học đi, không lên lớp, không thi đậu, tao đem câu sấu…”.
Cuộc sống càng hiện đại càng có nhiều cám dỗ. Rất nhiều người đã trưởng thành, không ít người từng trải vẫn không thoát khỏi sa ngã. Cho nên khi vướng phải lỗi lầm, phải đối mặt với khó khăn, thất bại trong cuộc sống, con trẻ thật đáng thương. Có khi nào chúng ta còn hùa vào mắng mỏ, chửi bới, cho rằng chúng hư hỏng, chúng làm cho cha mẹ xấu hổ, không thèm nghe hoặc không chấp nhận lời trần tình của con trẻ? Hình như là có, nhiều nữa là đằng khác.
Chính những lời kết tội nặng nề, quan trọng hóa vấn đề của người lớn làm cho con trẻ nghĩ rằng những sai lầm của trẻ là rất nghiêm trọng là không sửa chữa được, trẻ cảm thấy xấu hổ với mọi người, cảm thấy mình làm khổ cha mẹ. Ý nghĩ đó dẫn con trẻ đến chỗ khủng hoảng, sợ hãi và cô độc. Để giải thoát, cái chết được chọn lựa.
Những lý giải trên đây giải thích vì sao gần đây ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn cho mình cái chết như là một sự giải thoát khỏi trạng thái bế tắc trong cuộc sống. Tự tử vì hình ảnh thân mật với bạn trai bị phát tán trên mạng xã hội, nhảy lầu tự sát vì trầm cảm, ăn lá ngón tự tử vì bị nghi ăn trộm đồ chơi của trường mầm non, tự tử vì bị xâm hại, tự tử vì bị người yêu bội bạc, tự tử vì nợ tiền chơi game…
Tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi khó vượt qua nhất trong cuộc đời con trẻ. Vì thế, song song với việc chỉ ra cho con thấy những việc gì nên và không nên làm thì chúng ta cũng cần nên chú trọng đến việc dạy cho trẻ cách ứng xử với những tình huống xấu, cách đối mặt với những thất bại, khó khăn trong cuộc sống, cách sửa chữa sai lầm khi vấp phải.
Bố mẹ cũng tập can đảm đối mặt với việc con cái gặp rủi ro và sai lầm vì đó là cơ hội để con phát triển kỹ năng, là cách để trẻ học hỏi và trưởng thành. Hãy nói cho con trẻ biết, không có gì là không có cách giải quyết. Quan trọng là chúng ta hãy dạy chúng cách nhìn nhận, xử lý và vượt qua. Quan trọng hơn nữa là hãy cho con trẻ cảm giác gia đình là nơi an toàn nhất của chúng.