Kinh nghiệm của các ‘tay ngang’ khi ứng tuyển vào Facebook, Linkedin
(DNTO) - Tốt nghiệp trái ngành nhưng lại yêu thích viết code, Hoàng Quang Anh và Nina Le đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị khi chuyển hướng sang làm kỹ sư phần mềm, được làm việc tại nhiều công ty công nghệ lớn tại Mỹ.
Ngã rẽ bất ngờ
Nina Lê hiện là kỹ sư phần mềm thực tập tại LinkedIn, trước đó, cô từng trải qua vị trí tương tự tại các công ty khác như Capital One hay Ericsson. Còn Quang Anh hiện là kỹ sư phần mềm thực tập tại Snowflake, trước đó là Facebook và kỹ sư dữ liệu tại StockCharts.
Điều đặc biệt của Hoàng Quang Anh và Nina Lê là đều xuất phát từ ‘tay ngang’. Trong khi Nina Lê tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, truyền thông thì Quang Anh tốt nghiệp chuyên ngành Toán kinh tế.
Chia sẻ trong chương trình Big-O Talk 07: Làm việc ở Mỹ có khó không?, ngày 18/7, Nina Lê cho biết bắt đầu học code từ năm 2019. Năm đầu tiên, theo Nina là khó khăn nhất vì vừa phải học lập trình, thuật toán, vừa phải học kỹ năng khác để ứng tuyển vào các công ty.
Tuy nhiên, do cô chưa có kinh nghiệm về lập trình nên không có công ty nào gọi phỏng vấn. Không nản chí, Nina Lê tiếp tục gửi hồ sơ ứng tuyển vào nhiều công ty khác, mà theo cô ước chừng, số lượng công ty cô từng ứng tuyển lúc đó lên tới gần 200.
“Thời gian đầu tôi rất sốc, cảm thấy bế tắc vì những cái đơn giản nhất tôi cũng không hiểu được. Quá trình thích ứng với chuyên ngành mới phải mất 3-6 tháng. May mắn là tôi được nhiều bạn bè hỗ trợ. Tôi đã phải tự nhủ bản thân không cần đạt điểm cao, chỉ cần không bỏ cuộc”.
May mắn đã mỉm cười với cô gái trẻ khi nhận được 2 lời mời phỏng vấn từ công ty Capital One và Ericsson. Sau thời gian thực tập tại 2 công ty này, Nina đã có chút kinh nghiệm, tuy nhiên do dịch Covid- 19 bùng phát nên vẫn rất ít công ty tuyển nhân sự. “Tôi vẫn kiên trì chờ đợi và sau đó có thêm nhiều lời mời khác, hiện tại tôi chọn làm việc tại LinkedIn”, Nina nói.
Chia sẻ 2 lý do học lập trình, Nina cho biết, thứ nhất do bản thân cô là du học sinh, cảm thấy không thể nói tiếng Anh lưu loát như người bản xứ nên nếu tiếp tục theo ngành marketing cũng khó thể có nhiều cơ hội tiến xa như họ. Thứ hai, Nina Lê cảm thấy ngành marketing không phù hợp với tính cách của mình nên quyết định chuyển hướng.
Còn đối với Quang Anh, dù tìm được một công việc đúng chuyên ngành ngay sau khi tốt nghiệp, nhưng chỉ làm được 2-3 tháng, cậu thanh niên cảm thấy rất chán. Tuy nhiên, được làm việc với các kỹ sư tại công ty, nên ngày nào xong việc, Quang Anh cũng bỏ ra vài tiếng để đọc code, học một vài lớp miễn phí trên mạng, nói chuyện với rất nhiều người trong cộng đồng kỹ sư.
“Hồi đại học, tôi cũng từng học một lớp về code nhưng không hiểu sao lúc đó cảm thấy mình không đủ năng lực theo đuổi ngành này. Sau một vài năm đi làm, tôi mới thấy nếu mình thích gì thì cứ theo thôi”, Quang Anh chia sẻ.
Sau vài tháng mày mò học hỏi, Quang Anh cũng viết ra được những dòng code đầu tiên. Cậu thanh niên mạnh dạn đặt vấn đề với cấp trên xin một vài dự án code và được chấp thuận. Cứ dần dần như vậy, Quang Anh trở thành kỹ sư dữ liệu của công ty. Tuy nhiên, vì tự học nên Quang Anh hổng rất nhiều kiến thức cơ bản, anh quyết định bỏ việc và theo học cao học ngành công nghệ thông tin.
Kinh nghiệm ứng tuyển vào các “ông lớn” công nghệ
Theo Quang Anh và Nina Lê, để có thể ứng tuyển vào các công ty công nghệ lớn, có 2 con đường, một là ứng tuyển trực tiếp bằng cách gửi hồ sơ tới công ty, hai là nhờ nhân viên công ty đó giới thiệu.
Nhiều người nghĩ rằng đối với vị trí kỹ sư công nghệ thông tin, các công ty công nghệ sẽ chỉ chú trọng về chuyên môn. Tuy nhiên Nina cho biết, các công ty lớn cũng yêu cầu ứng viên nhiều kỹ năng khác như phản biện, thuyết minh dự án… thậm chí là phỏng vấn để xem tính cách của mình có phù hợp với văn hóa công ty hay không.
Còn theo Quang Anh, nhiều bạn trẻ mới ra trường ngần ngại ứng tuyển vào các công ty công nghệ lớn, do lo sợ năng lực của mình không đáp ứng được công việc. Tuy nhiên, muốn biết mình có đủ khả năng hay không thì đến lúc phỏng vấn, bạn sẽ biết. Bạn sẽ có cơ hội hỏi quản lý về công việc hàng ngày của mình như thế nào, lúc đó bạn sẽ đưa ra được quyết định. "Nếu lúc nào cũng lo mình không đủ khả năng thì điều đó không nên và không cần thiết”, Quang Anh cho biết.
Đồng ý với quan điểm này, Nina cũng cho rằng các bạn trẻ nên cho mình một cơ hội vì ngay cả trước kia, cô cũng không dám nghĩ đến việc có cơ hội làm trong LinkedIn.
“Những yêu cầu công việc trong bản tuyển dụng chỉ là bản lề, các bạn trẻ hãy thử ứng tuyển, vì cùng lắm là bạn bị từ chối, nhưng nếu không ứng tuyển bạn sẽ mãi không biết mình ở đâu. Mỗi lần đi phỏng vấn, bạn sẽ tự tin hơn và biết được yêu cầu của các công ty cần gì. Khi tiếp xúc với các quản lý có kinh nghiệm, bạn cũng có thể học hỏi kiến thức từ họ thông qua việc nhờ giải đáp các câu hỏi của mình”, Nina chia sẻ.