Họp báo sau Đại hội VII Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Nhiều mục tiêu được đề ra trong nhiệm kỳ tới
(DNTO) - Ngày 31/3, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Họp báo Công bố Kết quả Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2025, trả lời báo chí về những vấn đề nóng sau Đại hội.
Tham dự họp báo có ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VII; ông Nguyễn Doãn Thắng, Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VII; bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VII.
Chia sẻ trong họp báo, ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2022-2025, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống 29 năm qua và giá trị hệ sinh thái của Hội thông qua việc thành lập mới một số câu lạc bộ (CLB) trực thuộc Hội, như CLB dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, CLB cho doanh nhân kiều bào, CLB tập hợp đội ngũ doanh nhân trong hàng ngũ BCH Hội các thời kỳ…
“Với xu thế chuyển đổi số, giao thương quốc tế ngày càng mạnh mẽ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có nhiều ý tưởng mở rộng hệ sinh thái, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận, tìm kiếm cơ hội trong hệ sinh thái, đó là một số mục tiêu chúng tôi đề ra trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh việc tiếp tục phát huy truyền thống của Hội”, ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh.
Một số trao đổi trong họp báo:
Phóng viên Báo Thanh niên: Chúc mừng ông Đặng Hồng Anh tái đắc cử Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VII. Ông có thể chia sẻ cảm xúc hiện tại của mình? Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa tới có phương hướng, hoạt động cụ thể nào để Hội vươn tầm khu vực và quốc tế?
Ông Đặng Hồng Anh: Được cộng đồng doanh nhân trẻ tín nhiệm tái bầu cử làm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VII, trong lòng tôi rất vinh dự, hạnh phúc nhưng cũng rất nhiều suy tư.
Nhiệm kỳ VI của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kéo dài 3 năm nhưng có đến 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không vì thế mà phong trào Hội đi xuống. Ngược lại, chúng tôi vẫn xông pha mọi mặt trận, vừa giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần hỗ trợ cộng đồng. Sự hỗ trợ nhanh chóng, tậm tâm của Hội đã đi tới tất cả các đối tượng cần hỗ trợ và thụ hưởng. Với uy tín của Hội, chúng tôi vận động nguồn lực tài chính nhanh chóng để triển khai chương trình.
Trong Đại hội VII, dưới góc độ cá nhân, chúng tôi mong muốn tạo thêm nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho các hội viên, phát triển hệ sinh thái của Hội. Trong đó là việc tích hợp dữ liệu hội viên để đẩy mạnh giao thương, khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau với ưu đãi và cam kết uy tín chất lượng, mở rộng quan hệ quốc tế bằng việc tham gia các hiệp hội, gắn kết đại sứ các nước, mở rộng thị trường, hội thảo tại các nước để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Bên cạnh đó, Hội vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động xã hội xuyên suốt như bảo trợ trẻ mồ côi, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, xây nhà tình nghĩa.
Trong khóa mới, cơ cấu TƯ Hội có rất nhiều lãnh đạo thế hệ trẻ F2. Tôi hy vọng với nhiều lớp trẻ có năng lượng, kiến thức, tri thức học được từ nước ngoài, cùng kinh nghiệm điều hành quản trị từ truyền thống gia đình, hoạt động Hội sẽ có nhiều sức bật mới.
Bà Phạm Thị Bích Huệ: Trong nhiệm kỳ VI, lần đầu tiên, Hội được cơ quan chức năng chỉ định là hiệp hội chính thống tham gia Hội Doanh nhân trẻ ASEAN. Hội đã tổ chức thành công Carnaval, là tài trợ và tiên phong xây dựng dữ liệu website kết nối cộng đồng doanh nhân trẻ trong khối ASEAN, đây là kênh hỗ trợ cộng đồng 11.000 hội viên của Hội tương tác, tìm kiếm cơ hội giữa với các doanh nhân trẻ ASEAN.
Báo Tuổi Trẻ: Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có kế hoạch tập hợp người trẻ Việt Nam ở nước ngoài như thế nào. Giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi sau dịch ra sao?
Ông Nguyễn Doãn Thắng: Hiện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phủ sóng tại 63 tỉnh thành phố và 2 ngành kinh tế với hơn 11.000 hội viên, đây là hệ sinh thái quan trọng giúp hội viên tập hợp và đoàn kết.
Việc tập hợp doanh nhân trẻ ở nước ngoài cũng được Hội hết sức quan tâm vì đây là kênh rất tốt để doanh nghiệp trong Hội giao thương trong và ngoài nước. Cách thức ngắn nhất và nhanh nhất để tập hợp đội ngũ này là thông qua các hiệp hội, thông qua Bộ Ngoại giao, các bộ ban ngành, kết nối trực tiếp thông qua đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hiện các Hội Doanh nhân Việt Nam ở Nhật Bản, Hàn Quốc đang hoạt động rất sôi nổi. Chúng tôi sẽ thông qua tổ chức này để quy tụ, tập hợp các doanh nhân. Và đương nhiên, để có những hoạt động thiết thực, Hội cũng có định hướng đề ra chương trình hành động cụ thể.
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có nền tảng 29 năm và 7 nhiệm kỳ, tập hợp rất nhiều thế hệ doanh nhân trẻ đi trước đang đứng đầu các thương hiệu lớn. Đặc biệt, trong khóa mới, các thế hệ F2 tham gia vào đội ngũ lãnh đạo, đây là kênh kết nối quan trọng cho doanh nghiệp. Đặc biệt CLB Sao Đỏ hàng tháng, hàng quý đều có các chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. CLB Kế nghiệp tập hợp thế hệ doanh nhân trẻ F2 và doanh nhân trẻ để tạo thành mạng lưới hỗ trợ cho thế hệ trẻ.
Báo Nhân Dân: Trước thềm Đại hội, Hội cho ra mắt CLB Du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch thời gian qua, với những nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội vừa đề ra, Hội có hoạt động cụ thể nào phát triển CLB nhanh, mạnh trong thời gian tới?
Bà Phạm Thị Bích Huệ: CLB Du lịch Việt Nam là 1 trong 13 CLB trực thuộc Hội. CLB ra đời trong thời điểm Chính phủ có những chính sách mở cửa du lịch, ngành du lịch dự báo có nhiều đột phá, đổi mới. Vì vậy, đây là thời điểm để các doanh nghiệp trong ngành tái khởi động, tìm kiếm cơ hội giao thương. Chúng tôi kỳ vọng CLB Du lịch không chỉ hướng tới thị trường nội địa và ngoài nước mà còn tạo sự kết nối với nhau và kết nối hệ sinh thái Hội, cùng phát triển.
Thường trực Đoàn chủ tịch Hội luôn phân công các Phó Chủ tịch phụ trách các CLB. Vì vậy sau khi thành lập, với sự hỗ trợ của Trung ương Hội, chắc chắn CLB Du lịch sẽ phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu, mang lại giá trị thực tiễn cho hội viên.