Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tạo việc làm cho 3 triệu lao động, doanh thu hàng năm trên 30 tỷ USD
(DNTO) - Nhiệm kỳ 2018-2021, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vẫn nỗ lực và đạt nhiều thành tựu xuất sắc trong công tác xây dựng hội, hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, đối thoại chính sách và an sinh xã hội…
Nhiều thành tựu đặc biệt
Ngày 23/3, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Họp báo thông tin về Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2025 và Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2021.
Tham dự buổi Họp báo, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội; bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội; ông Lê Phụng Thắng, Phó Chủ tịch Hội; ông Nguyễn Doãn Thắng, Tổng Thư ký Hội; ông Đào Ngọc Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân trẻ; cùng đại diện doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt 2021 và các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước.
Thông tin về kết quả nhiệm kỳ 2018-2021 của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ vừa qua của Hội là một nhiệm kỳ đặc biệt khi dịch Covid-19 tác động toàn diện tới mọi mặt của đời sống xã hội, doanh nghiệp và người dân. Tuy vậy, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu quan trọng.
Về xây dựng, phát triển tổ chức Hội, qua 29 năm hình thành và phát triển, đến nay tổ chức Hội DNT Việt Nam được phủ sóng tại 63 tỉnh thành phố, 2 ngành kinh tế với trên 11.000 hội viên. Các doanh nghiệp của hội viên đang tạo việc làm cho 3 triệu người lao động với tổng doanh thu hàng năm đạt trên 30 tỷ đô la Mỹ.
Trung ương Hội đã phát huy thế mạnh của 13 câu lạc bộ theo sở thích, ngành nghề và thành lập Tạp chí Điện tử Doanh nhân trẻ. Các Hội địa phương cũng thành lập đến nay được 60 chi Hội cấp huyện. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2018-2021, 3 tỉnh còn lại trong cả nước chưa có Hội Doanh nhân trẻ là Sơn La, Kon Tum, Tiền Giang đều đã tổ chức Đại hội thành lập Hội Doanh nhân trẻ tại địa phương trong nhiệm kỳ...
Hoạt động Hợp tác quốc tế và Xúc tiến thương mại nước ngoài: Hội vẫn được tích cực triển khai với 246 hoạt động. Trong đó, điểm nhấn đặc biệt nhất phải kể đến Carnival Doanh nhân trẻ ASEAN lần thứ VI do Hội DNT Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch Hội đồng DNT ASEAN 2020 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Việc đưa ra 2 sáng kiến trong việc thành lập Ban Đối thoại chính sách và CLB Nữ DNT ASEAN cũng như việc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức DNT Châu Á – Thái Bình Dương đã khẳng định uy tín, vị thế cũng như sự kết nối ngày càng sâu rộng của DNT Việt Nam với cộng đồng DNT quốc tế.
Hoạt động XTTM và đầu tư trong nước: 425 hoạt động XTTM và đầu tư trong nước, đặc biệt là các hoạt động kết nối theo vùng, khu vực đã được triển khai để hỗ trợ hội viên kết nối trong sản xuất kinh doanh. Dự án Xây dựng ứng dụng (APP) DNT Việt Nam cũng được Hội DNT triển khai như một công cụ kết nối giao thương cho hội viên. Tính đến năm 2021, APP Doanh nhân trẻ Việt Nam mỗi tháng trung bình có từ 120.000 – 150.000 lượt truy cập, với hơn 250 doanh nghiệp đã tạo gian hàng.
Hoạt động Đối thoại chính sách: Được xác định là một hoạt động trọng tâm của Hội DNT Việt Nam trong nhiệm kỳ với 598 cuộc tọa đàm, gặp gỡ, đối thoại với các bộ, ban ngành Trung ương, chính quyền địa phương. Trong bối cảnh Covid-19, nhiều kiến nghị của Hội đã được Chính phủ và các bộ, ban, ngành hữu quan ghi nhận và xem xét trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Công tác đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho hội viên của Hội đã có nhiều nét đổi mới trong nhiệm kỳ với hơn 800 chương trình đào tạo, tập huấn cho các Hội viên Doanh nhân trẻ. Các hình thức đào tạo tập huấn phần lớn đã được linh hoạt chuyển sang hình thức trực tuyến để phù hợp với trạng thái “bình thường mới”.
Việc xây dựng thương hiệu doanh nhân, doanh nghiệp vẫn được Hội chú trọng thông qua việc tổ chức thành công Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu. Chương trình bình chọn và trao Danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc vẫn tiếp tục thành công. Qua 6 năm triển khai chương trình đã trao danh hiệu cho 390 doanh nhân trẻ.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng Doanh nhân trẻ cả nước chung tay ủng hộ và đưa ra nhiều sáng kiến trong công tác phòng chống Covid-19 với các mô hình ATM như: ATM gạo, ATM oxy, ATM F0-chống dịch; ATM Yêu thương nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do Covid -19... hỗ trợ cộng đồng trong đại dịch. Trong 3 năm qua, tổng số tiền tham gia công tác xã hội của Trung ương Hội, các Hội, CLB DNT và các hội viên DNT đạt hơn 1000 tỷ đồng mỗi năm.
Đổi mới, sáng tạo đến từ thế hệ Doanh nhân trẻ F2
Trong nhiệm kỳ mới, ông Trần Anh Vương cho biết, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có chủ trương trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo từ Thường trực Hội, Ủy ban Trung ương Hội.
“Hiện tại Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã hiệp thương, giới thiệu một số doanh nhân để bầu Ủy ban Trung ương Hội khóa tới, là thế hệ doanh nhân F2. Chúng tôi đánh giá cao vì họ có sức trẻ, nhiệt huyết, có tính mới nhưng vẫn đảm bảo sự tiếp nối truyền thống của thế hệ donah nhân cựu trào. Sau 30 năm, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hình thành 3 lớp: lớp doanh nhân trẻ cựu trào; lớp thế hệ đương nhiệm và lớp thế hệ khởi nghiệp, điều này giúp hoạt động hội có sự kết nối, kế tiếp, giúp hoạt động hội vững bền hơn”, ông Trần Anh Vương nhận định.
Kì vọng về thế hệ doanh nhân trẻ F2, ông Lê Phụng Thắng cho biết, trong nhiệm kỳ tới, có những doanh nhân trẻ được hiệp thương vào thường trực Hội. Họ là những người có nhiều sáng tạo, ý tưởng, không phụ thuộc vào thế hệ cũ.
“Chúng tôi dự định sẽ mở những chi hội ở các nước, ví dụ như Sydney (Úc) để những doanh nhân trẻ F2 sinh sống làm việc tại nhiều quốc gia có tổ chức để sinh hoạt. Ngoài ra, những doanh nhân đã từng là du học sinh, họ sẽ có trách nhiệm kết nối cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng cộng đồng doanh nhân trẻ”, ông Thắng cho biết.
Để truyền lửa, hỗ trợ thế hệ doanh nhân trẻ F2, ông Nguyễn Doãn Thắng cho biết Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam dự kiến thành lập CLB Doanh nhân trẻ cựu trào, họ sẽ tư vấn, chia sẻ, dẫn dắt cho thế hệ đi sau. Hội cũng sẽ thúc đẩy thành lập các đặc CLB liên quan đến công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp và lan rộng mô hình hoạt động của các CLB DNT khởi nghiệp ở các địa phương.
Chia sẻ về nét mới trong hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế, bà Phạm Thị Bích Huệ cho biết hoạt động này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong nhiệm kỳ tới.
“Chúng tôi đặt ra mục tiêu lan tỏa hơn nữa hoạt động hội nhập quốc tế, trong đó việc kết nối doanh nhân trẻ Việt Nam ở nước ngoài hay đội ngũ doanh nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là một trong những thành phần đó. Hiện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã kí kết hợp tác với Cục ngoại vụ, Bộ Ngoại giao. Đây là kênh kết nối Hội với mạng lưới lãnh sự Việt Nam trên toàn thế giới, là kênh giúp 11.000 hội viên của Hội ra quốc tế. Nhiệm kỳ tới chúng tôi vẫn tiếp tục thích ứng linh hoạt với đại dịch thông qua hoạt động kết nối giao thương online, biến nguy thành cơ, rút ngắn khoảng cách thời gian và không gian để doanh nghiệp kết nối với cộng đồng quốc tế”, bà Huệ cho biết.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội DNT Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2025 sẽ được tổ chức vào ngày 30-31/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), với sự tham gia của 1.000 đại biểu, gồm lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ban, ngành và doanh nhân trẻ trên cả nước.