Họ xứng đáng là ‘anh hùng’

(DNTO) - Cho dù là người bình thường do không thể “Kiến ngãi bất vi” hay là chiến sĩ đang làm nhiệm vụ thì với hành động xả thân cứu người bất chấp hiểm nguy, bất chấp hy sinh tính mạng của mình, họ cũng đều xứng đáng được gọi là anh hùng.
Chân dung Nguyễn Đăng Văn, chàng shipper vừa từ trong đổ nát điêu tàn của đám cháy bước ra, mái tóc bù xù, khuôn mặt gầy gò ám đầy khói bụi… là hình ảnh tràn lan trên mặt báo mấy ngày qua kể từ xảy ra vụ cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng tại quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội.
Nguyễn Đăng Văn (30 tuổi, quê ở Bắc Ninh, sống tại quận Cầu Giấy), làm nghề giao hàng. Chung cư Khương Hạ là nơi gia đình chị gái của Văn sinh sống. Gia đình chị gái gồm năm người: Anh, chị và ba cháu nhỏ. Ngay khi hay ttin, Văn tức tốc chạy đến hiện trường. Khi lên căn phòng của chị gái ở tầng 4, không thấy ai, Văn liền lao sang các phòng khác để cứu người. Nguyễn Đăng Văn đã tìm thấy và đưa được 9 nạn nhân ra ngoài. Sau này Văn mới biết, 4 người trong gia đình chị gái đã trèo qua mái nhà dân bên cạnh thoát ra an toàn, còn một cháu của anh đã không qua khỏi.

Nguyễn Đăng Văn, chàng shipper vừa từ trong đổ nát điêu tàn của đám cháy bước ra. Ảnh: Internet
Một lần nữa cho thấy “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” không phải là trào lưu mà là một quan niệm sống, một tư chất, phẩm cách của người Việt Nam vốn có từ xưa và còn lưu truyền cho đến ngày nay. Bất cứ khi nào xảy ra hoạn nạn là “anh hùng” lại xuất hiện.
Đặc biệt có những người sau khi “hoàn thành nhiệm vụ”, rời đi trong lặng lẽ. Như trường hợp được người dân ghi lại trong một đoạn clip vào hồi tháng giêng năm ngoái. Đó là hình ảnh người đàn ông đã trèo lên mái nhà, để giải cứu bé gái trong một vụ cháy xảy ra tại căn nhà nhỏ trong ngõ 51 Lương Khánh Thiện (Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) trước khi lực lượng cứu hỏa đến. Thời điểm đó, đám cháy đang bùng lên dữ dội.
Sau khi cứu bé gái, người đàn ông này đã lặng lẽ rời đi, Công an Hoàng Mai (Hà Nội) phải thực hiện tìm kiếm “người hùng” để… khen thưởng. “Người hùng” sau đó được xác minh là Trung Văn Nam (34 tuổi, quê Thanh Hóa) làm nghề sửa máy điều hòa ở Thường Tín, Hà Nội.
Anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Và là một trong 5 nhân vật tiêu biểu đầu tiên được bình chọn nhận giải thưởng của chương trình “Lan tỏa điều tử tế” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam do Báo Thanh Niên và LG Việt Nam phối hợp thực hiện.
Mới đây, sáng 23/8/2023, tại thị trấn Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), đại diện Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã trao huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" biểu dương tinh thần hy sinh cứu người của anh Phạm Hoàng Chương vì hành động dũng cảm lao xuống dòng nước xoáy ứng cứu một số người bị đuối nước vào ngày 3/5/2023.

Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh - người giải cứu 10 nạn nhân đang cận kề cái chết. Ảnh:Internet
Ngoài việc được các phương tiện truyền thông trong nước ca ngợi, tôn vinh, vụ việc tài xế Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội) cứu thoát bé gái 3 tuổi rơi xuống từ tầng 12A tòa nhà chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng còn được nhiều tờ báo nước ngoài như Dailymail và Independent (Anh), Unicanal (Paraguay)… báo Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải, dẫn lại thông tin từ báo chí Việt Nam.
Và còn nhiều nhiều lắm những tấm gương anh hùng như thế trong xã hội. Trong số họ, đa phần là những người hết sức bình thường từ xuất thân, nghề nghiệp, địa vị xã hội như anh Văn, anh Nam, anh Chương, anh Mạnh…
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không nhắc đến sự xả thân của các chiến sĩ PCCC. Cụ thể trong vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ là thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh - người leo từ tầng 1 lên các tầng cao của chung cư, giải cứu 10 nạn nhân đang cận kề cái chết. Bên cạnh còn có thượng úy Nguyễn Quốc Cường, binh nhất Nguyễn Hải Đường v.v…
Cũng như vẫn còn làm hàng triệu trái tim bàng hoàng, đau xót khi nhắc lại là sự hy sinh của 3 cảnh sát phòng cháy chữa cháy trong vụ hỏa hoạn tại quán karaoke quận Cầu Giấy, Hà Nội chiều 1/8/2022. 8 người được cứu đã đổi bằng cuộc đời 3 chiến sĩ phải dừng lại ngang tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất.
Đành rằng đó là nhiệm vụ “đương nhiên” của người lính. Nhưng khi chọn dấn thân vào con đường binh nghiệp, lấy phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn làm nhiệm vụ là họ đã bất chấp tính mạng, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Sau khi cứu bé gái, người đàn ông này đã lặng lẽ rời đi. Ảnh: Cắt từ clip
Cho nên dù là người bình thường hay là chiến sĩ đang làm nhiệm vụ thì với hành động xả thân cứu người bất chấp hiểm nguy bất chấp hy sinh tính mạng của mình, họ cũng đều xứng đáng được gọi là anh hùng.
Quan niệm về người anh hùng có thể mỗi thời mỗi khác. Nhưng mong rằng phẩm chất anh hùng của người Việt ta không bao giờ bị mai một.