Hàng hóa đua nhau tăng giá
(DNTO) - Với lần tăng giá xăng ngày 11/5 giá xăng trong nước gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, giá dầu liên tục được điều chỉnh tăng. Giá xăng dầu ở mức cao kỷ lục, giá nguyên liệu đầu vào tăng đã khiến chi phí sản xuất tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất buộc tăng giá bán, gánh nặng chi tiêu đè lên vai người tiêu dùng.
Nguyên liệu đầu vào tăng 30-40%
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, sáng 17/5, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết giá nguyên liệu đầu vào hiện nay đã tăng tới 30-40%, giá heo hơi cũng tăng, vì thế hoạt động kinh doanh của Vissan đang gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, mãi lực tiêu dùng thấp, sức mua giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, vì vậy, mặc dù khó khăn nhưng hiện nay Vissan vẫn phải gồng và không dám tăng giá thực phẩm tươi sống. “Chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận và để giảm tối đa chi phí sản xuất Vissan đang rà lại thật sát sao các khoản chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, các khoản vay ở các ngân hàng lớn hiện đang được giữ ổn định tỉ lệ cho vay nên cũng đỡ gánh nặng được một phần”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, đối với thực phẩm chế biến thì công ty buộc phải tăng giá bán từ 5-15% tùy sản phẩm.
“Nguyên liệu đầu vào từ lon thiếc tới nguyên liệu, hương phụ liệu đều tăng, buộc Vissan phải điều chỉnh tăng giá bán thực phẩm chế biến. Mức giá mới này sẽ được áp dụng từ 1/6/2022. Vissan đã ra thông báo áp dụng bảng giá mới này từ 15/5 này nhưng nhiều hệ thống siêu thị đề nghị tới 1/6. Một số sản phẩm tăng như các loại thực phẩm đóng hộp, xúc xích các loại...”, ông Dũng cho biết thêm.
Theo thông tin từ Công ty Saigon Food (TP.HCM), hiện nay nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến của công ty đã tăng từ 5 - 15% sau thời gian kìm giá.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, TP.HCM – đơn vị chuyên cung ứng trứng gia cầm cũng cho biết, giá thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng lên hơn 30% so với trước đây, giá xăng lại vừa tăng ở mức kỷ lục, theo đó, việc tăng giá bán là điều doanh nghiệp không thể không làm.
Theo ông Thiện, hiện nay doanh nghiệp đang tính toán lại để đề xuất giá mới cũng như ngày tăng cụ thể.
Hàng hóa rủ nhau tăng giá
Theo ghi nhận, hiện nay rất nhiều mặt hàng tại các chợ truyền thống đã tăng giá. Cụ thể, tại chợ Trần Văn Quang, chợ Ông Địa, chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình); chợ An Đông (quận 5) các mặt hàng tăng từ 1.000 - 20.000 đồng tùy sản phẩm.
Đơn cử bột ngọt Ajinomoto, Vedan tăng từ 28.000 đồng lên 30.000 đồng/gói 450g (tăng 4.000 đồng/kg); dầu ăn Simply tăng từ 64.000 đồng/lít lên 70.000 đồng/lít; dầu Cái Lân từ 48.000 đồng/lít lên 50.000 đồng/lít; nước mắm Chinsu, Liên Thành, Nam Ngư, Hưng Thịnh, Hồng Hạnh tăng 2.000 - 3.000 đồng/chai; giá trứng gà 30.000 - 40.000 đồng/chục tùy kích cỡ, tăng 5.000 đồng/chục; giá trứng vịt 35.000 đồng – 40.000 đồng/chục, tăng 5.000 đồng - 10.000 đồng/chục tùy loại.
Chưa kể, đường tăng khoảng 3.000 đồng/kg, đậu đen tăng 5.000 đồng/kg, lên 45.000 đồng/kg; đậu ván tăng 4.000 đồng/kg, lên 32.000 đồng/kg; gạo tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tùy loại...
Ông Nguyễn Văn Sáng, chủ một trang trại gà đẻ trứng tại Vĩnh Cửu Đồng Nai, giá cám hiện nay là 11.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với năm 2020, khiến giá trứng tại chuồng tăng. Thêm vào đó, giá cám tăng, người chăn nuôi giảm đàn nên tất yếu ảnh hưởng đến nguồn cung. Như vậy, khó khăn chồng khó khăn, đẩy giá trứng gà lên cao.
Ông Trương Chí Thiện của Vĩnh Thành Đạt cũng nêu, hiện nay tổng đàn gà của cả miền Nam đã giảm khoảng 40-50% nên có sự mất cân đối cung cầu.
Về phía người tiêu dùng, chị Hồng Nga, sống ở Lạc Long Quân, Tân Bình cho biết, giá xăng tăng liên tiếp, lên mức cao kỷ lục đã khiến gánh nặng chi tiêu đổ vào đôi vai người tiêu dùng. Trong đó, “đánh” vào túi tiền người tiêu dùng đầu tiên đó là chi phí cho việc đi lại tăng thấy rõ.
“Bình xăng 6 lít của chiếc xe Lead tôi đi thường ngày, trước đây đổ tầm 120.000 đồng, rồi lên 130.000 đồng, nay nhảy lên hơn 160.000 đồng”, chị Nga nói.
Kéo theo đó, là giá dầu ăn, mắm, muối, rau củ... tăng từ 2.000-20.000 đồng/sản phẩm, trong khi lương vẫn vậy, khiến người nội trợ như chị phải rất đau đầu để có mâm cơm đầy đủ dinh dưỡng trong mức kinh phí cho phép.