Giá dầu thế giới tăng mạnh tác động thế nào tới thị trường chứng khoán?
(DNTO) - Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam, giá dầu thế giới tăng mạnh có thể khiến lạm phát trở thành gánh nặng "ngay và luôn" với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên về dài hạn, ông kỳ vọng tình hình sẽ sớm hạ nhiệt.
Giá dầu thế giới biến động mạnh trong những ngày qua trước tình hình căng thẳng của cuộc đụng độ quân sự giữa Israel và nhóm Hamas đã kéo theo sự lo lắng gia tăng với nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Giá dầu Brent và WTI đều có mức tăng trên 4%, hiện có giá lần lượt trên mức 88 đô la/thùng và 86 đô la/thùng, hướng đến các mức đỉnh trước đó sau khi đã có thời gian dài giảm nhẹ.
Giá dầu tăng, áp lực lạm phát cũng sẽ gia tăng theo và khả năng tác động tới thị trường chứng khoán là điều khó tránh khỏi.
"Tâm lý nhà đầu tư lo sợ lạm phát sẽ quay trở lại và đây cũng là bài toán khó cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp ngay và luôn đến thị trường chứng khoán", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam chia sẻ tại chương trình “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý 4/2023" diễn ra vào hôm nay, 10/10.
Giai đoạn 2013-2014, thị trường cũng đã từng chứng kiến câu chuyện về giá dầu khi có xung đột địa chính trị. Hiện tại chu kỳ về giá dầu đang có xu hướng lặp lại và nếu vậy, năm 2024 là giai đoạn thị trường sẽ phải đối mặt nhiều nhất.
Dù vậy, đây là một biến số cần theo dõi. Bởi thực tế, mọi việc đang trở nên khó đoán định hơn trước nhiều yếu tố bất ngờ.
Ví dụ như trước đây Fed hay đưa ra các dự báo nhưng hiện đã khá thận trọng do quá nhiều biến số khác nhau. "Fed cũng đang phản ứng với dữ liệu hơn là đưa ra các dự báo hay các thông tin về chính sách tiền tệ mới", ông Minh cho biết.
Và theo ông Minh, trong ngắn hạn giá dầu có thể còn đi lên, tuy nhiên trong dài hạn, giá dầu được kỳ vọng sẽ sớm hạ nhiệt khi các nước lớn bắt đầu có động thái nới lỏng nguồn cung và xuất khẩu trở lại cũng sẽ góp phần kìm hãm giá dầu.
Câu chuyện nào sẽ dẫn dắt thị trường?
"Câu chuyện về tăng trưởng của nền kinh tế, tăng trưởng của doanh nghiệp là câu chuyện kế tiếp tạo kỳ vọng cho thị trường", ông Minh nhận định.
Nếu đầu năm việc kỳ vọng các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, từ đó gián tiếp giảm chi phí vốn nền kinh tế, trong đó Việt Nam là một trong những nước tiên phong, được xem là yếu tố dẫn dắt thị trường thì hiện tại điều này đã không còn nữa, thể hiện qua sự điều chỉnh mạnh của thị trường thời gian qua.
Cùng đó, kết quả kinh doanh quý 3 và 4 được cho sẽ không mấy tích cực và điều này đã nằm trong nhận định của nhà đầu tư.
"Câu chuyện là kết quả kinh doanh quý 3 không có gì quá bất ngờ, thị đang kỳ vọng câu chuyện gì sắp tới mới hơn và quan trọng hơn", ông Minh cho biết và nhấn mạnh: “Câu hỏi đặt ra sẽ là ngành nào tăng trưởng mạnh?”.
Theo ông, tâm lý FOMO lao vào nhóm bất động sản hay chứng chứng khoán theo kỳ vọng sẽ không còn nữa. Nhà đầu tư sẽ đi săn nhóm ngành có sức bật, tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn hoặc xa hơn trong năm 2024. Và hiện tại họ đang nghe ngóng để chuẩn bị lựa chọn, một nguyên nhân khiến thanh khoản giảm sút thời gian qua.