EVN là 1/6 tập đoàn, tổng công ty nhà nước không hoàn thành kế hoạch doanh thu
(DNTO) - 6 tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2021, bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam.
Ngày 8/1, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tổng doanh thu năm 2021 của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 99% kế hoạch (821.295 tỉ đồng, bằng 108% so với năm 2020); tổng lợi nhuận trước thuế ước vượt 70% kế hoạch (34.179 tỉ đồng, bằng 93% so với năm 2020); tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch (62.443 tỉ đồng, bằng 99% so với năm 2020). Trong đó, 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu.
Bên cạnh đó, có 6 tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam.
Về đầu tư phát triển, một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị đầu tư thực hiện khá lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước đạt 18.194 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ước đạt 5.095 tỉ đồng, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone ước đạt 6.245 tỉ đồng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ước đạt 3.235 tỉ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 19.600 tỉ đồng.
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, tuy mới đi vào hoạt động được gần 3 năm, nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày càng chuyên nghiệp, trưởng thành.
Nói về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm tới Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc rà soát các quy định pháp luật còn gây vướng mắc để tập trung tháo gỡ; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của Ủy ban, bảo đảm cho Ủy ban có đầy đủ các quyền hạn tương xứng với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp và với các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Ủy ban cũng cần khẩn trương hoàn thành Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền. Đặc biệt cần, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, nhấ là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương. Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty triển khai ý kiến của Bộ Chính trị; đẩy mạnh giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc còn tồn đọng...