Đừng để phải trả cái giá quá đắt cho bài học chủ quan
(DNTO) - Bài học về sự chủ quan là một bài học mà rất nhiều khi khiến người ta phải đánh đổi nó bằng cái giá rất đắt. Có liên quan đến cả sinh mạng con người là sự chủ quan trước Covid-19 mà đất nước Ấn Độ đang trải qua bằng những tổn thất mãi mãi không gì bù đắp được.
Chủ quan thường xuất phát từ sự quá tự tin vào bản thân mình, nó cũng xảy ra với những người có tư duy và hành động giản đơn, nóng vội, cẩu thả, dựa vào sự suy nghĩ, vào ý chí, tình cảm một chiều của cá nhân mà bất chấp quy luật khách quan. Bệnh chủ quan xuất hiện và tồn tại đã gây ra không biết bao nhiêu là tổn thất có khi rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình thậm chí đến toàn xã hội. Trong cuộc sống, chủ quan được thể hiện bằng những hình thức nào?
Chủ quan trong học tập
Mạnh Trung là một học sinh cấp 3 trường chuyên, kể về kỳ thi đại học đã dạy cho em bài học về sự chủ quan: Là một học sinh giỏi nhiều năm liền, đạt thành tích học sinh giỏi hạng ba Kỳ thi quốc gia môn lịch sử. Ở trường, em đã có những ngày ôn thi đại học nghiêm túc và hiệu quả. Kiến thức được thầy cô dàn trải ôn luyện suốt trong 3 năm liên tục với thật nhiều bài tập và các lần thi thử nghiêm túc. Trong suốt quá trình đó, bài tập nào Trung cũng giải được, kỳ thi thử nào Trung cũng vượt qua với điểm số rất cao.
Đặc biệt Trung có khả năng phân tích và nhận định vấn đề khá tốt. Em có thể phán đoán phần nào là trọng tâm của bài cần xoáy sâu và phần nào là tiểu tiết chỉ cần lướt qua. Thực tế đã chứng minh Trung làm điều đó rất tốt không sơ sẩy lần nào.
Tất cả những điều đó đã khiến Trung tự tin rằng bất cứ đề thi nào cũng nằm trong khả năng của em.
Không ngờ, sự cố xảy ra. Trong quá trình ôn tập, tin tưởng vào sự nhận định của mình, Trung chủ quan bỏ qua 2 phần nội dung trong môn lịch sử thế giới mà em cho rằng đó là “tiểu tiết”. Khi đề thi được mở ra, Trung đã chới với vì 2 phần đó nằm trong một câu hỏi của đề thi.
Mặc dù câu hỏi trên chỉ được chấm có 0,50 điểm nhưng nó đã khiến Trung mất cơ hội trở thành thủ khoa trong năm thi đó.
Trong các kỳ thi, sự chủ quan có thể làm bạn đánh mất hoàn toàn cơ hội bởi sự chủ quan, ỷ lại của mình.
Chủ quan trong cuộc sống
Trong sinh hoạt hằng ngày, sự chủ quan thường gây ra phiền toái, tốn kém, hư hại. Ví dụ: Nghĩ rằng giờ nghỉ trưa chắc không có cảnh sát giao thông, hơn nữa chỉ đi ra chợ gần nhà một chút nên không đội mũ bảo hiểm, thế là bạn đành ngậm ngùi móc túi đóng phạt. Nghĩ rằng tai nạn giao thông xảy ra trong thành phố là sự việc hy hữu, mấy chục năm ngồi ô tô có làm sao đâu, hơn nữa, anh tài xế lại thuộc hàng tay lái lụa, mà “người ta có số” cả mà, thế là ngồi phía trước ô tô nhưng nhiều người “ăn gian” cài dây an toàn vòng ra phía sau lưng cho đỡ vướng víu, không may tai nạn xảy ra, “người ta có số” thật…
Trong cuộc sống gia đình, nghĩ rằng con cái chúng ta ở nhà rất ngoan ngoãn lại học hành giỏi giang nên lơ là quan tâm giám sát đến một ngày biết tin nó nghe lời bạn rủ rê “đập đá”, thế là sự chủ quan đã mang đến sự tai hại khôn lường.
Trong tình yêu, không ít người nghĩ rằng ta là người đàn ông có địa vị, tiền của, khỏe mạnh, đẹp trai, vợ có mà theo giữ mình chứ làm gì mình giữ vợ mà quan tâm. Thế là có một ngày đẹp trời, “mình” phát hiện đôi sừng trên đầu đã nhú tự bao giờ. Thất bại trong hôn nhân do chủ quan của cả hai phía là việc vẫn thường xảy ra trong cuộc sống.
Chủ quan trong công việc
Trong công việc, tính chủ quan dễ mang người ta đến thất bại. Là sếp, tự tin vào khả năng ý chí suy nghĩ của mình một cách thái quá, không hiểu biết tường tận vấn đề mà đưa ra quyết định quan trọng nhưng không phù hợp, không đúng tất sẽ thất bại. Cũng có khi đã biết, được cảnh báo về mức độ nguy hiểm của vấn đề nhưng do chủ quan vẫn vô tư, xem thường cảnh báo dẫn đến không thành công ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, thu nhập của nhân viên dưới quyền.
Là nhân viên, tính chủ quan dẫn đến lơ là cẩu thả trong công việc, không chấp hành quy định của cơ quan, kỷ luật của tổ chức, không những làm ảnh hưởng đến năng suất lao động, đến thành tích thi đua mà có khi còn rất nguy hiểm. Ví dụ, do tự tin vào trí nhớ, không ghi chép cẩn thận, làm lỡ một cuộc hẹn quan trọng với khách hàng; Chủ quan không thắt dây an toàn, không đội nón bảo hộ, không mặc áo phao đúng cách trong khi làm nhiệm vụ dẫn đến chết người…
Trở lại với cơn đại dịch Covid-19 đang càn quét đất nước Ấn Độ. Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, đăng trên Vietnamnet thì: Sau hơn 1 tháng không ghi nhận ca mắc Covid-19 cộng đồng, người dân Ấn Độ bắt đầu có tâm lý chủ quan như không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, đi đến lễ hội, địa điểm tập trung đông người… Bài học từ thảm kịch của Ấn Độ sau lễ hội sông Hằng là hết sức đau lòng.
Sự “ vỡ trận” thảm hại của Ấn Độ là hồi chuông nhắc nhở người dân Việt Nam hãy cảnh giác cao độ. Không nên ỷ vào thành tích chống dịch của nhân dân và chính phủ trong thời gian qua mà tự tin thái quá, dẫn đến chủ quan, để rồi đi theo vết xe đổ. Tang thương nếu xảy ra, có hối cũng muộn màng.