Đừng “bỏ lỡ” hạnh phúc do thiếu hoạt động thể chất
(DNTO) - Theo Ths. BS. Trần Danh Phương – Trưởng khoa Đông y – Bệnh viện Thể thao Việt Nam, tập luyện thể dục thể thao là một trong những phương pháp đơn giản nhất giúp nâng cao sức khỏe.
Vì sao hoạt động thể chất hàng ngày cần thiết với chúng ta?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoạt động thể chất có ý nghĩa quan trọng, mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Ths. BS. Trần Danh Phương cho biết: “Tập thể dục đều đặn là thói quen lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh những lợi ích của việc tập thể dục thường xuyên, dễ thấy nhất là giúp chúng ta tăng sức bền, nâng cao sức khỏe và ngủ ngon.
Những người chăm tập thể dục thường có tinh thần sảng khoái, hệ xương khớp khỏe mạnh hoặc được cải thiện rất nhiều nếu có vấn đề về xương khớp. Tập thể dục hàng ngày còn giúp giảm căng thẳng, lo lắng, tăng trí nhớ, hiệu quả trong điều trị trầm cảm; góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, xương khớp, một số bệnh mạn tính, béo phì”.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta lười vận động?
Kinh tế phát triển mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống, khiến con người “ỷ lại” vào các tiện nghi và ngày càng lười vận động, lười tập luyện thể dục thể thao.
Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong 10 quốc gia mà người dân lười vận động nhất thế giới. Cụ thể, WHO khuyến nghị mỗi ngày chúng ta cần vận động và đạt được 10.000 bước. Song, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng lại chỉ ra rằng trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đi bộ được 3.600 bước một ngày, bằng 1/3 so với mức khuyến nghị của WHO. Con số này càng thấp hơn ở giới văn phòng khi họ chỉ đi được 600 bước/ngày. Thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.
“Đây là tình trạng đáng báo động bởi việc lười vận động, ít hoặc không tập thể dục sẽ dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe như: Nguy cơ stress và trầm cảm, nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm”, Ths. Trần Danh Phương cho biết.
WHO cũng khuyến nghị, ít vận động là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Những người không hoạt động đầy đủ có nguy cơ tử vong cao hơn 20% - 30% so với những người hoạt động đầy đủ.
Nói về hệ lụy của việc lười tập thể dục, Ths. BS. Trần Danh Phương cho biết: “Theo Đông y, vận động ít làm giảm lưu thông khí huyết, giảm vận hành kinh lạc, ảnh hưởng đến lục phủ ngũ tạng; giảm tuần hoàn máu ảnh hưởng quá trình nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Lười vận động cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể, gia tăng bệnh lây nhiễm, nhất là khi thời tiết thay đổi.
Ngoài ra, vận động không đủ mức tối thiểu còn ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp, dễ gây thoái hóa xương khớp, giảm sức mạnh cơ bắp. Khi sức đề kháng yếu, dễ mắc cả bệnh có và không lây nhiễm”.
Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, không có khả năng lây truyền, thời gian bị bệnh dài, tiến triển khá chậm nhưng tạo ra gánh nặng bệnh tật lớn do tỷ lệ tàn phế và chết yểu cao. Hiện có bốn loại bệnh không lây nhiễm chính: Bệnh tim mạch, các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. Một trong những nguy cơ của bệnh không lây nhiễm chính là thiếu vận động thể lực.
WHO cũng xác định: Giảm vận động thể lực ảnh hưởng quan trọng tới hình thành nguyên nhân gây các bệnh không lây nhiễm và nguy cơ giảm tuổi thọ.
“Nào cùng tập” với Herbalife Việt Nam
Công ty Dinh dưỡng Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam và Ủy ban Olympic Việt Nam triển khai dự án “Nào cùng tập ngay! Vì một Việt Nam khoẻ mạnh, hạnh phúc” với mục tiêu khuyến khích cộng đồng cùng tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe. Chương trình bắt đầu từ tháng 10/2021 đến cuối năm 2022.
Để khuyến khích cộng đồng cùng tập thể dục mỗi ngày, chương trình truyền tải thông điệp dễ nhớ “Lối sống vui khỏe 5T” thông qua truyền thông mạng xã hội và đại chúng, tập trung vào giới trẻ trong giai đoạn đầu, sau đó sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.
“Lối sống vui khoẻ 5T” bao gồm:
1. Tập đều đặn: Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên trong mọi hoàn cảnh.
2. Tập đầy đủ: Luyện tập tối đa 2 lần/ngày; mỗi lần từ 30 đến 60 phút.
3. Tập khoa học: Luyện tập phù hợp tình trạng sức khỏe của mỗi người. Tham khảo 12 nhóm bài tập của Tổng cục Thể dục Thể thao.
4. Tập đúng lúc: Tập trước hoặc sau khi ăn tối thiểu 30 phút.
5. Tập cùng nhau: Cổ vũ người thân hoặc bạn bè cùng tập luyện.