Doanh nghiệp phát triển bền vững: Không phải gánh nặng mà là cơ hội
(DNTO) - Nếu vài năm trước đây, doanh nghiệp còn mơ hồ, nghĩ về phát triển bền vững như một câu chuyện xa xôi, chỉ dành cho các "ông lớn", thì bây giờ chuyện đó đã trở nên sát sườn, doanh nghiệp sẽ thấy phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc tại Lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023 (CSI 2023), ngày 31/5, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và trong bối cảnh này, doanh nghiệp một lần nữa đặt ra câu hỏi “phát triển bền vững để làm gì nếu chúng tôi không vượt qua được khó khăn ngay lúc này?”.
Theo ông Vinh, phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp. "Phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, và còn đặt nền móng phát triển bền vững hơn cho tương lai, giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Ở một khía cạnh khác, xu hướng phát triển xanh và bền vững đã và đang hình thành "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư", ông Vinh nhận định.
Đồng thời, ông lấy dẫn chứng những doanh nghiệp đã bền bỉ theo đuổi và thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trước giai đoạn đại dịch xảy ra, như PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, PAN Group, SASCO… Đó là những doanh nghiệp vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh tốt bất chấp đại dịch và cũng có sự phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác.
Chia sẻ về những điểm mới của bộ chỉ số CSI 2023, ông Phạm Hồng Hải, Trưởng bộ phận quan hệ đối tác của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, cho biết bộ chỉ số CSI 2023 nhấn mạnh vào 3 yếu tố: kiểm đếm phát thải carbon, hoạt động thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, CSI 2023 tiếp tục tập trung vào các chỉ số lao động xã hội - trọng điểm được quan tâm như các cam kết về đa dạng, bình đẳng trong doanh nghiệp như bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, tôn trọng quyền trẻ em, quyền con người, chế độ làm việc linh hoạt. Các chỉ số này được lồng ghép nhuần nhuyễn và có chiều sâu nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của các FTA thế hệ mới.
Theo ông Hải, yếu tố mới và tiên tiến nhất được tích hợp vào bộ Chỉ số CSI năm nay là việc yêu cầu doanh nghiệp giải trình, báo cáo về hoạt động sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm trên cả 3 khía cạnh toàn diện: kinh tế - xã hội - môi trường (ESG).
"Đây là điểm hỗ trợ đặc biệt, tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, giúp họ lập được các báo cáo phát triển bền vững tích hợp ESG theo các yêu cầu của luật pháp trong nước và quy định trên thế giới", ông Hải cho hay.