Doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 đóng góp doanh thu khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng
(DNTO) - Tối 2/11, 172 doanh nghiệp được vinh danh Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8, năm 2022.
Năm 2022, kỳ xét chọn thương hiệu quốc gia lần thứ 8 tiếp tục thu hút sự quan tâm của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau, mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn theo quy định, đã có 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm được công nhân là Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. Như vậy, so với năm 2020, năm nay cả nước đã có thêm 48 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129.000 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600.000 lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Brand Finance định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 11%, từ 388 tỉ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới tăng từ 74% giai đoạn 2019-2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng Thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn và đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng yêu cầu, tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị cho xã hội.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
“Chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Sau gần 20 năm triển khai, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 172 doanh nghiệp năm 2022. Chương trình Thương hiệu quốc gia góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, uy tín và chất lượng cao.