Đó là khoảnh khắc âm nhạc chứng minh sự kỳ diệu của nó
(DNTO) - Trong những ngày đại dịch khủng khiếp này, có một nơi mà khi tiếng hát cất lên, nó thật sự là liều thuốc tinh thần đủ sức mạnh để người ta vượt qua gian khổ và bệnh tật, nơi mà người nghệ sĩ sẽ vui mừng xiết bao khi nhìn thấy khán giả của mình ngày càng ít đi, thậm chí là không còn ai…
Hình ảnh nghệ sĩ saxophone Trần mạnh Tuấn đeo chiếc khẩu trang được khoét lỗ đứng giữa một khoảng không mênh mông lồng lộng gió của khu bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, say sưa cất lên giai điệu bài hát "Quê hương" làm trái tim tôi siết chặt từng hồi. Không phải vì tiếng kèn anh từ lâu đã là một phần đời sống âm nhạc trong tôi, mà vì hôm nay nó đang cất lên những giai điệu đặc biệt, trong một không gian đặc biệt, với những khán giả cũng thật đặc biệt.
Từ khi dịch bệnh bùng nổ và lan rộng, cùng với những y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu là một đội ngũ đông đảo các tình nguyện viên tham gia mọi lĩnh vực phục vụ chống dịch, trong đó bao gồm một số anh chị em nghệ sĩ.
Tôi biết họ đã tham gia hỗ trợ các y bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm, tham gia công việc hậu cần ở khu cách ly, ở các bệnh viện dã chiến... Nhưng việc mang tiếng đàn, lời ca của mình phục vụ trực tiếp cho các y bác sĩ và bệnh nhân ở một nơi mà từng hơi thở của con người được che giấu cẩn thận vì nó mang mầm bệnh nguy hiểm… là điều chưa khi nào tôi nghĩ đến.
Ấy vậy mà nó đã diễn ra. Tôi tò mò lướt qua một lượt các trang thông tin và phát hiện ra không chỉ có Mạnh Tuấn, không chỉ có tiếng kèn “rù quến” của anh mà còn có cô “Chanh chua” Phương Thanh, còn có Quốc Đại, có người đàn bà hát tình ca Cẩm Vân với con gái của chị, có Hoàng Bách, Ngọc Hà... cùng nhiều các ca sĩ, nghệ sĩ khác nữa.
Nếu như làn hơi là “vũ khí” của ca sĩ thì việc lấy được cái thứ vũ khí ấy vào lồng ngực sau lớp khẩu trang là chuyện không hề dễ dàng. Nó khiến cho lớp phấn son được trang điểm sơ sài trôi tuột theo những cơn mưa mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt mỗi người. Sân khấu của họ là những chiếc ghế đá, là khoảng trời, là một góc sân, là bên ngoài lớp chăng dây chống dịch … Đây chắc chắn sẽ là sân khấu đáng nhớ nhất trong cuộc đời đi hát của các anh các chị.
Họ hát say sưa với dàn loa kẹo kéo trước các anh em dân quân ngồi bệt dưới cỏ, trước hàng ngàn bệnh nhân thập thò gương mặt của mình qua những ô cửa sáng, hoặc tựa vào lan can các dãy phòng bệnh… Có người liên tục vỗ tay, có người nhún nhảy theo điệu nhạc, người khỏe hơn thì bắc loa tay “hú hú” gọi tên ca sĩ… Khoảnh khắc ấy, những y bác sĩ tạm thời bớt căng thẳng vì áp lực; những anh chị em phục vụ cảm nhận sự vất vả của mình nhẹ nhàng hơn…
Còn bệnh nhân thì quên luôn cơn sốt, không thèm “đếm xỉa” coi mình còn nhức mình nhức mẩy chỗ nào không… Đó là cái khoảnh khắc mà âm nhạc chứng tỏ sự kỳ diệu của nó. Đó là cái khoảnh khắc mà người nghệ sĩ được “giải oan”, không còn ám ảnh bởi tiếng kêu “con hát” hay định kiến họ là phường xướng ca vô loại… ít nhất là trong lúc này.
Tôi bỗng dưng nhớ lại một thời tuổi trẻ của mình. Tuy không phải là ca sĩ nhưng tôi cũng đã từng có những ngày đi hát, ngâm thơ phục vụ tuyến đầu. Tuyến đầu của thế hệ chúng tôi là những công trình thủy lợi, những nông trường, công trường những vùng kinh tế mới. Đối tượng phục vụ của chúng tôi là lực lượng thanh niên xung phong, là các bạn đoàn viên thanh niên, sinh viên lao động tình nguyện.
Hơn bốn mươi năm qua nhưng thỉnh thoảng trong giấc mơ tôi vẫn hiện ra âm thanh hò reo vang trời trong cái đêm trăng vằng vặc sáng trên công trình thủy lợi Trần Quang Cơ, khi nhìn thấy dòng nước đầu tiên lấp loáng dưới lòng kênh. Tôi không nhớ mình đã làm sao khi không đàn, không mic, mà vẫn có thể gào lên: “Đông vui quá có rất nhiều đồng đội/Ngày mai đây vào mùa gặt mới/Em soi khuôn mặt hồng xuống dòng kênh xanh/Con kênh ta đào có em mà có anh/ Con kênh ta đào có anh mà có em… (Lời bài hát Con kênh ta đào của Phạm Tuyên).
Hay những lần ở nông trường Phạm Văn Hai, giữa ngan ngát mùi khóm chín, đứng ngâm thơ phục vụ thanh niên xung phong trên cái sân khấu ghép bằng mấy cái thùng phuy, bị gió nông trường lồng lộng thổi lắc lư mất cả hồn vía.
Lại nhớ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong thời chiến tranh. Ở giữa chiến trường ác liệt, tiếng hát đã có sức lan tỏa mạnh mẽ truyền đi “ngọn lửa” làm cháy rực mọi trái tim, tiếp thêm nguồn lực tinh thần vô giá cho mỗi người chiến sĩ...
Giờ đây trong cơn dịch bệnh, tiếng hát chính là liều thuốc tinh thần góp thêm niềm tin, sự lạc quan vượt qua mọi áp lực, căng thẳng và bệnh tật. Chưa bao giờ, ở thành phố chúng ta, những tiếng hát cất lên từ nơi sự sống và cái chết có một ranh giới mong manh lại đáng yêu, đáng trân trọng và ngưỡng mộ đến thế.