Đau đầu với chuyện: 'Tới tuổi không yêu, yêu không cưới, cưới không đẻ’ của giới trẻ ngày nay?

(DNTO) - Tại Hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp" do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/11/2023, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Mức sinh trên thế giới liên tục giảm xuống rất thấp dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động và các vấn đề về già hóa dân số cũng như chăm sóc người cao tuổi… đang là thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
Quyết định 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó có nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây gần 4 năm.
Nhưng cho mãi đến thời điểm gần đây, khi fanpage Cổng Thông tin Chính phủ đăng tải thông tin ''vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn (khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi) do Bộ Y tế phát động, sự việc bỗng trở nên thu hút đáng kể sự quan tâm của giới trẻ với hàng trăm ngàn lượt yêu thích và bình luận, hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Đồng thời dẫn đến nhiều ý kiến bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn.

Bài viết đăng trên fanpage Cổng Thông tin Chính phủ thu hút nhiều bàn luận sôi nổi của giới trẻ. Ảnh chụp màn hình
“Tới tuổi không yêu, yêu không cưới, cưới không đẻ”
Phát biểu liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kết hôn trễ, mức sinh thấp trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng là do áp lực cuộc sống và công việc. Trong đó có việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí…
Tuy nhiên, ý kiến bình luận của cư dân mạng lại phong phú, đa chiều và “màu sắc” hơn nhiều.
Các nguyên nhân được giới trẻ đưa ra nhiều nhất tập trung vào việc bận lo sự nghiệp. Mục tiêu này trước đây không thuộc nữ giới, nay cũng trở thành mục tiêu phấn đấu của chị em: Bận theo đuổi sự nghiệp, không còn thời gian “đầu tư” vào chuyện yêu đương là lý do phổ biến nhất.
Trường hợp tiếp theo là yêu rồi nhưng vẫn lần lựa mãi không chịu cưới. Bởi không muốn mất đi cuộc sống tự do, độc lập, sợ mất quyền làm chủ cuộc sống của mình. Dẫn tới riết thành quen, ngại thay đổi.
Cuối cùng, cưới nhau rồi, các bạn lại ngại sinh con vì quan điểm về con cái ngày nay đã đổi khác. Trong khi thời gian, công sức, tiền của đầu tư cho một đứa trẻ là rất lớn, không kể kèm theo đó còn rất nhiều nỗi lo.
Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều bạn trẻ cho biết, qua bài viết trên fanpage Thông tin Chính phủ, họ giật mình nhận ra... mình độc thân đã quá lâu và không thể tiếp tục trì hoãn việc kết hôn khi đã cận kề tuổi 30.
Nhiều bạn còn chia sẻ lại bài viết lên tài khoản Facebook cá nhân và gắn lên “tường nhà” của bạn bè kêu gọi hưởng ứng. Nhiều phụ huynh tỏ ra phấn khởi cho rằng bài viết trên fanpage Thông tin Chính phủ đã “thay lời muốn nói” của họ.

Nhiều bạn trẻ cho biết, qua bài viết giật mình nhận ra... không thể tiếp tục trì hoãn việc kết hôn. Ảnh: Internet
Giải pháp được đề xuất
Tuy nhiên các bạn trẻ rất mong muốn song song với "Vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn. Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi", cần có chính sách, chiến lược hỗ trợ tích cực, cụ thể và lâu dài.
Trong khi chờ đợi các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo, xem xét, nghiên cứu, đánh giá tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn Bộ công cụ chính sách can thiệp thực tiễn mức sinh cho các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do tổ chức Economist Impact nghiên cứu đã được công bố (Bộ công cụ này đề cập đến 4 nhóm chính sách: Chăm sóc trẻ em; Chính sách tại nơi làm việc; Ưu đãi tài chính và Hỗ trợ sinh sản) thì các bạn trẻ rất cần có những chính sách hỗ trợ trước mắt như:
Mức giảm trừ gia cảnh được tăng lên; Thời gian nghỉ thai sản tối thiểu phải là 1 năm trước khi trẻ có thể “đi” nhà trẻ; Khi vợ sinh, chồng cũng được "nghỉ thai sản" một thời gian nhất định hoặc có thể xem xét linh động về giờ giấc và công việc.
Để giải quyết được bài toán chi phí nuôi dạy con, các bạn trẻ đề xuất chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học... Bên cạnh đó, cũng cần có những dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh cho trẻ miễn phí; kéo giảm chi phí chữa trị hiếm muộn, vô sinh. Đặc biệt ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho các cặp đôi kết hôn trước 30 tuổi.

Các bạn trẻ cần cân nhắc để quyết định kết hôn và sinh con. Ảnh: Internet
Nếu những giải pháp nhân văn này được xem xét và áp dụng vào thực tế có thể sẽ nhanh chóng giúp người trẻ mặn mà với hôn nhân và sinh con hơn.
Độc thân hay có gia đình, sinh con hay không sinh con là lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, đứng trước một quyết định có liên quan đến cả cuộc đời của mình, thậm chí liên quan đến sự phát triển và cân bằng dân số của đất nước, rất cần các bạn trẻ thận trọng cân nhắc các yếu tố có lợi và bất lợi trước mắt và về lâu dài để quyết định kết hôn và sinh con.