Tỷ lệ sinh giảm: Chính sách hỗ trợ kinh tế hay cần thêm một giải pháp khác?
(DNTO) - Tỷ lệ sinh ở các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước EU – nơi nền kinh tế phát triển, đều giảm mạnh. Vậy có phải do vấn đề kinh tế? Tỷ lệ sinh của Việt Nam đang giảm, chính sách hỗ trợ kinh tế để khuyến sinh có hiệu quả?
Tỷ lệ sinh ở các quốc gia phát triển ngày càng giảm
Không có quốc gia châu Âu nào sinh đủ con để duy trì dân số ổn định, điều này đòi hỏi mỗi phụ nữ phải có trung bình 2,1 con, trong nhóm những nền kinh tế hợp tác và phát triển OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) là 1,6. Tỷ lệ sinh thấp tương tự ở các khu vực giàu có ở châu Á. Đồng thời, sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh trên khắp thế giới, bất chấp những suy đoán ban đầu rằng việc phong tỏa vì đại dịch có thể dẫn đến bùng nổ trẻ sơ sinh trên toàn cầu.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ sinh thấp trong nhiều năm; vào năm 2020, lần đầu tiên nó báo cáo số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh - một dấu hiệu được gọi là "dấu thập tử vong của dân số", có nghĩa là tổng dân số đã bị thu hẹp.
Năm ngoái, Nhật Bản cũng ghi nhận ít ca sinh hơn bao giờ hết. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, số trẻ sinh ra nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2020, do ngày càng có nhiều cặp đôi trì hoãn kết nhân và lập gia đình trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Số trẻ sinh ra đã giảm xuống còn 840.832, tương đương 2,8% so với năm 2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 1899. Số cuộc hôn nhân đã đăng ký ở Nhật Bản đã giảm 12,3%. Số lần sinh dự kiến trên một phụ nữ, giảm xuống còn 1.34, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Đây là một quốc gia "siêu già", nghĩa là hơn 20% dân số của nước này trên 65 tuổi. Nước này đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học kéo dài trong nhiều năm, với tỷ lệ sinh liên tục giảm - làm dấy lên lo ngại về dân số già và lực lượng lao động thu hẹp.
Và ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, dữ liệu từ cuộc điều tra dân số năm 2020 cho thấy dân số của nước này, ở mức 1,41 tỷ, chỉ tăng 5,38% trong thập kỷ qua, tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1950. Số trẻ sơ sinh đăng ký khám bệnh đã giảm gần 15% vào năm ngoái. Vừa qua, chính phủ nước này tuyên bố sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt bằng cách cho phép các cặp vợ chồng có tối đa 3 con để chống lại tình trạng giảm mạnh.
Tại Mỹ, tỷ lệ sinh giảm 4% vào năm 2020, có 3.605.201 ca sinh, giảm năm thứ sáu liên tiếp, thấp nhất kể từ năm 1979, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng trì hoãn mang thai ở phụ nữ Mỹ.
Tỷ lệ sinh giảm chỉ là một phần của bức tranh nhân khẩu học đang thay đổi của Hoa Kỳ. Kết hợp với sự chững lại đáng kể của nhập cư và số người chết gia tăng, dân số của đất nước trong thập kỷ qua tăng với tốc độ chậm thứ hai kể từ khi chính phủ bắt đầu thống kê vào thế kỷ 18. Đại dịch, đã đẩy tỷ lệ tử vong lên cao hơn và tỷ lệ sinh thậm chí thấp hơn, dường như đã làm sâu sắc thêm xu hướng đó
Bức tranh dân số cũng không mấy sinh động tại Quốc đảo Sư tử Singapore, năm 2020, có 38.705 trẻ được sinh ra, giảm 1,5% so với 39.279 trẻ năm 2019, mức giảm thấp nhất trong 10 năm qua. Số cuộc hôn nhân đã giảm khoảng 6% vào năm 2019 so với năm trước đó. Các chuyên gia cho rằng suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng mất việc làm, thu nhập giảm và những bất ổn lớn do đại dịch Covid-19 và phụ nữ Singapore có xu hướng kết hôn ở độ tuổi lớn hơn và điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của họ. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong tăng cao nhất trong gần một thế kỷ. Khoảng 22.000 người đã tử vong trong năm 2020, tăng 2,6%.
Việt Nam làm gì để khuyến sinh?
Đối với Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2020, dân số Việt Nam trung bình ước tính là 97,58 triệu người, tăng 1,098 triệu người, tương đương tăng 1,14% so với năm 2019. Theo các chuyên gia tại Hội thảo Quốc tế Tăng cường Hợp tác giữa các bên nhằm Thúc đẩy Già hóa năng động và Sức khỏe Tâm thần trong khu vực ASEAN (18/11/2020), Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Hiện nay, số người cao tuổi (trên 65 tuổi) là 7,4 triệu người, chiếm 7,7% tổng dân số. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên mức 22,3 triệu người, chiếm 20,4% tổng dân số. Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh (18 năm) trong khi các quốc gia phát triển cần đến hơn một hoặc một thập kỷ để nâng số dân trên 65 tuổi từ 7% lên 14% như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Vương quốc Anh (45 năm).
Để ngăn ngừa tình trạng giảm sinh và già nua dân số, nhiều nước trên thế giới đã có nhiều chính sách cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là phụ nữ nhằm khuyến khích sinh con. Đối với Việt Nam, lần đầu tiên dự thảo Luật dân số, do Bộ Y tế chủ trì xây dựng, đề xuất thưởng tiền cho gia đình sinh đủ hai con đang sống tại 21 tỉnh thành có tỉ lệ sinh thấp, gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang...
Cụ thể mức hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất, và ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai. Đồng thời, cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập, và miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập.
Tại TP.HCM, nơi có mức sinh thấp nhất cả nước chỉ từ 1,3 - 1,5 con/bà mẹ, được biết trong một khảo sát ban đầu rằng các bậc cha mẹ ngại sinh con do lo ngại về chi phí nuôi con, vấn đề trường học, việc làm, nơi gửi con nhỏ… Nếu giải quyết được đồng bộ vấn đề này thì việc khuyến sinh mới thực sự nhận được sự đồng thuận của các gia đình. Câu hỏi đặt ra là đây có phải là nguyên nhân chính và chính sách trong dự thảo nêu trên liệu có hiệu quả?
Đối chiếu giữa tình trạng dân số già và tình hình phát triển kinh tế của các quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật, Singapore… như đã nêu ở phần trên có thể thấy tài chính và vấn đề an sinh là một phần tác động nhưng không mang giá trị cốt lõi trong việc khuyến sinh vì có một điểm chung mà chúng ta có thể nhìn thấy là thu nhập càng tăng, tỉ lệ sinh càng giảm.
Tỷ lệ sinh đang giảm và tốc độ tăng dân số ở các nước công nghiệp hóa đã bị đình trệ hoặc già khiến các quốc gia giàu có phải đối mặt với một tương lai thiếu lao động và kinh tế suy giảm thì chúng ta nên nhìn nhận điều này một cách khác đi.
Càng lúc có vẻ càng có nhiều bất trắc tác động đến đời sống như lạm phát, khủng hoảng kinh tế, áp lực học hành và làm việc, bệnh tật, giá trị xã hội… vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, và cả mỗi quốc gia. Những quan điểm giáo dục khuyến khích phụ nữ ngừng sinh con để đi làm, phải nỗ lực tăng thu nhập và có chi phí để giúp đỡ gia đình, tìm kiếm sự cân bằng trong một xã hội bình đẳng nam nữ. Vị trí xã hội và tình trạng kinh tế đang đề cao quá mức, tính thực dụng mỗi xã hội tăng lên và đặc biệt là sự ích kỷ, cũng như nỗi sợ hãi trong từng các nhân khi đối phó với các rủi ro khó lường nào đó… Điển hình như đại dịch Covid-19 đã đi ngược với dự đoán bùng nổ dân số ở nhiều quốc gia.
Vậy nên chăng cùng với các chính sách hỗ trợ về mặt kinh tế thì xây dựng môi trường văn hóa gia đình tốt đẹp và gắn bó mà ở đó, tình yêu thương của con người mới là giá trị cốt lõi khuyến khích sự gia tăng dân số và thêm nhiều hình mẫu của tương lai?