Công ty vừa được cấp phép nhập 5 triệu liều vaccine Sinopharm kinh doanh ra sao?
(DNTO) - Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) ghi nhận doanh thu năm 2020 hơn 2.750 tỷ đồng. Chỉ tiêu này trong năm 2021 được kỳ vọng ở mức 2.930 tỷ đồng.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản đồng ý cho Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu lô vaccine Vero-Cell của Sinopharm (Trung Quốc) để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vaccine nhập khẩu; đảm bảo việc bảo quản vaccine tại các cơ sở bảo quản theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin nhập khẩu, đồng thời bảo đảm việc sử dụng vắc-xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Về Sapharco, công ty này được thành lập từ năm 1975, có trụ sở chính tại quận 4 và là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND TP.HCM; hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, gồm các đơn vị trực thuộc và 16 công ty liên kết có phần góp vốn của công ty mẹ dưới 50%.
Ngành nghề kinh doanh chính của Sapharco là sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, nguyên liệu sản xuất thuốc; dịch vụ bảo quản và kiểm nghiệm thuốc; dịch vụ khai thuê hải quan.
Tổng số cán bộ, công nhân viên và người lao động trong toàn hệ thống công ty này khoảng 2.800 người.
Sapharco đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ logistics, kinh doanh và phân phối dược phẩm.
Báo cáo về hoạt động kinh doanh giai đoạn 2018-2020, Ban lãnh đạo công ty này cho biết, lợi nhuận bán hàng thầu thấp (4% trên doanh thu, trừ hàng GN-HT), có nhiều hàng giá trị thấp, nặng (sản phẩm đông dược), chi phí vận chuyển nhiều nên khi bán các đơn hàng nhỏ lẻ, trị giá thấp sẽ không hiệu quả.
Cùng với đó, công ty trúng nhiều gói thầu quốc gia trị giá lớn, công nợ nâng cao, nợ quá hạn, nợ khó đòi cũng tăng theo, dẫn đến áp lực cao về phát sinh công việc cũng như áp lực kiểm soát công nợ.
Đồng thời, các sản phẩm nhượng quyền đã hết bảo hộ, vòng đời sản phẩm ngắn, Sanofi tăng giá nguyên liệu tạo nên sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm giá rẻ của các doanh nghiệp khác.
Sapharco sẽ phải tập trung khai thác nguồn hàng tự doanh, nâng cao tỷ trọng hoạt động phân phối hàng tự doanh nhằm tăng cường hiệu quả và sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp doanh thu và lợi nhuận mất đi từ hoạt động nhập khẩu trực tiếp của Sanofi.
Về kế hoạch phát triển thị trường và sản phẩm trong năm nay, doanh nghiệp này sẽ khai thác hoạt động logistics tại trung tâm phân phối Dược Sài Gòn ở quận 9, quận 5, quận 4 và các chi nhánh.
Ngoài ra, hệ thống phân phối đến các tỉnh, thành trên cả nước sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận, nâng cao thương hiệu Sapharco trước dự tính triển khai chuỗi nhà thuốc Sapharco Pharmacy.
Ông Lê Việt Hùng, Tổng giám đốc Sapharco là Thạc sĩ quản trị kinh doanh, dược sĩ. Ngoài các vị trí tại Sapharco cùng các đơn vị liên kết, ông Hùng còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Dược liệu.
Cuối tháng 3/2020, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM có thông báo kết quả kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đảng đối với các đảng viên có vi phạm tại Sapharco.
Theo đó, căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Việt Hùng, Phó bí thư Đảng ủy, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Sapharco.
Ngoài ông Hùng, còn 3 cá nhân khác bị khiển trách bao gồm một Phó tổng giám đốc, một kiểm soát viên và một nguyên kiểm soát viên chuyên trách.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cho rằng, các đảng viên trên tại Sapharco có khuyết điểm, vi phạm trong công tác lập sổ sách kế toán, công tác đấu thầu, về đầu tư, góp vốn liên kết, liên doanh, quản lý công nợ và vay ngân hàng bổ sung vốn lưu động thực hiện dự án không đúng quy định Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, việc thực hiện cổ phần hóa không đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định; việc quản lý, sử dụng mặt bằng, nhà đất; việc cử cán bộ, người đại diện vốn nhà nước, người quản lý doanh nghiệp và quản lý cán bộ, người lao động đi nước ngoài.