CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên: Hành trình đi tìm sự nguyên bản của thực phẩm
(DNTO) - Vừa rồi, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamit, được nhận bằng sáng chế của Mỹ cho công nghệ đông khô nước mía. Với công nghệ này, nước mía đông khô vẫn giữ được vị tươi ngon, nguyên chất. Ông nói đó là chặng đường trong hành trình đi tìm sự nguyên bản của thực phẩm.
Từ ước mong đơn giản của con gái
Ông Lâm Viên kể, ý tưởng chế biến thức uống đông khô xuất phát từ tin nhắn của cô con gái định cư ở Mỹ. Cô nhắn tin nói với ông, đồng nghiệp cô khoe vừa đi chợ Việt Nam, được uống nước mía thỏa thích, đã đời. Lời của đồng nghiệp làm cô thèm nước mía quê nhà quay quắt, khiến cô nhớ những lần được bố chở tới quán nước mía quen, uống ly nước mía nguyên chất, tươi mới, ngọt lịm và thơm lừng.
Tin nhắn của cô con gái khiến ông mất ngủ nhiều đêm, đau đáu nghĩ cách làm thế nào để có thể gửi cho con những ly nước mía tươi ngon, nguyên chất.
Thế rồi, với các tài liệu về xu hướng thức uống mới ở Mỹ, loại nước trái cây tươi, trọn vẹn dưỡng chất, prebiotic, các khoáng chất, vitamin, lợi khuẩn và giữ nguyên màu, mùi, vị, ông bắt tay vào nghiên cứu cách giữ nguyên vị của của cây mía Việt Nam.
Mặc dù có kinh nghiệm trong nuôi trồng, chế biến nông sản, nhưng ông Lâm Viên nói, thử thách mới này thật sự gian nan, nhiều chông gai. Ông phải giải bài toán kép với nhiều yêu cầu, từ hình thức, mùi vị, tới các thành tố vi khuẩn, vi sinh... chỉ thấy rõ ở phòng thí nghiệm. Ngày qua ngày, ông trao đổi với nhiều nhóm, từ chuyên gia sinh học, y sinh, dinh dưỡng học đến chuyên gia thiết bị, công nghệ, xét nghiệm và cả chuyên gia thí nghiệm...
Máy móc, bên cạnh những loại đã có sẵn, ông nhập thêm về, tháo lắp bổ sung tính năng đặc biệt, thậm chí cả nghiên cứu, sáng chế ra loại máy mới.
Mía hữu cơ đã chuẩn bị sẵn từ chính những trang trại của Vinamit được thu hoạch, và ông bắt đầu quá trình chế biến.
Ông bảo, khó nhất là khâu giữ nguyên vi khuẩn sống, các enzyme, khoáng chất, prebiotic và đặc biệt là độ tươi mới của mía, nhằm đảm bảo chúng có giá trị cao nhất.
Vi khuẩn sống được giữ nguyên, ông gọi là vi khuẩn cao cả. Theo ông, đó là vi khuẩn mà thiên nhiên, trời đất ban cho sự sống, ban cho con người. Độ tươi mới được giữ (khoảng 96% tới 98%) cũng có nghĩa vi khuẩn cao cả ấy được giữ lại, góp phần cùng các thành tố khác duy trì, bảo vệ và phát triển sức khỏe cho con người.
Ban đầu là mía, rồi ông bắt đầu nghiên cứu đông khô hầu hết các loại rau, củ, quả. Mỗi loại rau, củ, quả là một cơ thể sống riêng biệt, theo đó, sẽ có các công thức đông khô khác nhau.
Cứ thế, cứ thế, rau, củ, quả cuốn ông vào một hành trình khó khăn nhưng đầy thú vị và đam mê.
Ba năm liên tục, ông thử nghiệm, biến đổi, sáng tạo các công đoạn trong quy trình công nghệ, từ khí điện lạnh bức xạ nhiệt đối lưu tự nhiên chân không, đến các phần mềm tự động hóa IOT. Khi ứng dụng trên sản phẩm nước mía đạt kết quả cao, ông nghĩ cần viết lại "sáng chế" của mình và xin cấp bằng tại Mỹ.
Để xin cấp bằng ở Mỹ, ông phải trình bày khoa học, rõ ràng với 250 bài viết mô tả các sáng chế. Sau một năm, cơ quan thẩm quyền Mỹ thông báo đã thực hiện quá trình xem xét, phê chuẩn và khẳng định công nghệ có tính mới, không sao chép từ ai khác.
Chế biến sâu và nông nghiệp vì sự sống
Theo ông Lâm Viên, đông khô sản phẩm cũng chính là tiếp nối con đường chế biến sâu đối với nông sản Việt mà Vinamit đã được thực hiện từ nhiều năm nay… Tuy nhiên, nhìn chung vào nền nông nghiệp trong nước, với những cánh đồng rau, củ, quả bị đổ bỏ, các cuộc giải cứu nông sản liên tục những năm qua thì thấy chế biến sâu thực sự là vấn đề khó khăn.
Sở dĩ vậy, ông cho rằng còn thiếu sự kết nối giữa người nông dân với người tiêu dùng và ngược lại. Đồng thời thiếu định hướng cho người trồng cũng như cho chính người tiêu dùng.
“Nếu ngay từ khi trồng, người nông dân quan tâm tới thị trường, nhìn rộng tới khâu bảo quản, chế biến sâu, quan tâm tới người tiêu dùng thì sẽ điều chỉnh, biết nên trồng loại nông sản nào, chất lượng ra sao. Người tiêu dùng quan tâm tới sự sống, quan tâm tới cây cỏ, tới chế biến sâu và tất nhiên là quan tâm tới sức khỏe sẽ tìm hiểu ăn loại nông sản nào, nông sản ở trạng thái nào thì tốt. Từ sự quan tâm này của người trồng trọt, người chăn nuôi tất yếu sẽ có yêu cầu nhất định về sản phẩm, chất lượng sản phẩm. Khi người tiêu dùng yêu cầu sản phẩm tốt, chất lượng, thì canh tác hóa học sẽ giảm đi, chất lượng nông sản sẽ tăng và việc tiêu thụ, chế biến sâu cũng sẽ thuận lợi hơn”, ông Lâm Viên nhấn mạnh.
Ông Lâm Viên cho rằng, thực tế, trồng trọt - tiêu thụ - chế biến sâu là một vòng tuần hoàn. Trong vòng tuần hoàn ấy, nếu tất cả các nhân tố tham gia từ người trồng - người tiêu thụ đều quan tâm tới sự sống của cây cỏ, thiên nhiên, quan tâm tới sức khỏe và sự sống của chính bản thân mình, thì việc có một sản phẩm nông sản giữ nguyên bản sự tươi mới, thơm ngon, an toàn và có lợi cho sức khỏe là điều tất yếu. Khi ấy, chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp vì sự sống. Một nền nông nghiệp vì con người.
Vì thế, với ông Lâm Viên và Vinamit, chiến lược sắp tới của doanh nghiệp là sản xuất chuỗi đồ ăn, thức uống giữ được sự nguyên bản và đơn chất, không phải dùng điều vị, phụ gia thực phẩm, hóa chất hay chất bảo quản.
Công ty Cổ phần Vinamit hồi giữa tháng 5 công bố, sản phẩm nước mía và nước mía lên men sản xuất theo công nghệ đông khô do Vinamit vừa được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark Office - USPTO) cấp bằng sáng chế tại thị trường này.
Trước đó, công nghệ đông khô, chuyển từ thể lỏng sang bột nhưng vẫn giữ tính nguyên bản và đơn chất của Vinamit cũng đã được Mỹ cấp bằng sáng chế (số US 10.676.797 B1). Vinamit áp dụng công nghệ này cho các loại trái cây, rau củ quả và lần lượt đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ và Việt Nam.