Cải lương Việt Nam khao khát tiến ra ‘biển lớn’
(DNTO) - Sân khấu cải lương Việt Nam vốn là bộ môn trụ cột của nền nghệ thuật truyền thống nước nhà. Theo thời gian, nét tinh hoa độc đáo này đang dần bị mai một đi. Làm thế nào để có thể gìn giữ phát huy và đưa cải lương ra “biển lớn”?
Chật vật giữ nghề
Nghệ thuật sân khấu cải lương là bộ môn nghệ thuật được nhiều học giả cho rằng ra đời ở miền Nam vào khoảng năm 1918. Trải qua nhiều thế hệ, cải lương vẫn liên tục thay đổi cho ngày một hay hơn, phù hợp hơn với phong cách thưởng ngoạn nghệ thuật của quần chúng Nam bộ.
Tuy nhiên, hiện nay, sân khấu cải lương trên cả nước đã đang dần bị thu hẹp. Các rạp dành cho cải lương không còn nhiều và cũng ít sáng đèn. Một phần do sự du nhập và phát triển ồ ạt của các loại hình nghệ thuật đương đại, một phần do những cây đại thụ cải lương dần mất đi mà lực lượng kế thừa không lấp kịp vào khoảng trống.
Thấy được tình hình thực tế này, những năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước cùng lực lượng văn nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cải lương đã cùng chung tay vực dậy nền nghệ thuật dân tộc này. Hàng loạt những cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu cải lương được tổ chức với sự góp mặt đông đảo của anh chị em nghệ sĩ các thế hệ. Đặc biệt là quy mô các giải được mở rộng trên hầu hết các tỉnh thành cả nước, từ các đơn vị chuyên nghiệp đến các đơn vị không chuyên. Trong đó, phải kể đến giải thưởng Trần Hữu Trang, một giải thưởng uy tín, hàng đầu của cải lương Việt Nam, nơi tôn vinh những nghệ sĩ tài năng, được nhiều khán giả mến mộ trên cả nước.
Nỗ lực dễ nhận thấy nhất của sự cố gắng duy trì hoạt động sân khấu cải lương là hoạt động xã hội hóa, dù còn vướng phải nhiều khó khăn. Trong Liên hoan Cải lương toàn quốc vừa qua, cải lương xã hội hóa cũng tham gia với 8 vở. Tuy nhiên, sau liên hoan thì hầu hết các vở này đều bị… “cất kho”. Chỉ riêng vở Tổ quốc nơi cuối con đường của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM là có liên tục 10 suất diễn kết hợp cùng Liên đoàn Lao động TP.HCM phục vụ công nhân, viên chức.
Làm sao đưa cải lương ra “biển lớn”?
Việt Nam là đất nước nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới. Và là Điểm đến hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp 2018-2019. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát và phòng chống dịch tốt nhất. Vì thế, tiềm năng du lịch của nước ta ngày càng được nâng cao vị thế.
Trong tình hình đó, để cải lương phát triển, trở lại thời kỳ huy hoàng, tránh bị mai một, nhiều ý kiến về giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, việc xây dựng những vở diễn cải lương mang đậm bản sắc dân tộc dành riêng cho khách du lịch đã được đề cập đến. Theo đó, các cơ quan ban ngành và nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cục nghệ thuật biểu diễn... cần đẩy mạnh du lịch kết hợp với đưa cải lương đến gần khách du lịch trong nước và quốc tế hơn nữa.
Bên cạnh đó cần xây dựng các thư viện, viện bảo tàng cho cải lương nhằm lưu giữ lại tư liệu lịch sử của bộ môn, lưu giữ những tác phẩm, những đạo cụ, trang phục, những hình ảnh nghệ sĩ, nghệ nhân gắn liền với môn nghệ thuật này. Tổ chức những sự kiện lớn dành cho bộ môn cải lương và phát sóng trên các kênh truyền hình, đưa thông tin lên báo đài, ấn hành những sản phẩm sách báo, CD cải lương…
Ngày nay, tại các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ, nghệ thuật đờn ca tài tử vẫn còn được duy trì, nhất là trong những khu du lịch để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Nhiều người trẻ cũng tìm hiểu và học hỏi về loại hình cải lương truyền thống này. Đây là một trong những điểm thuận lợi để đưa cải lương vào khai thác du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Cần đầu tư cho những nơi đã có nền tảng cải lương vững chắc, đồng thời đưa cải lương đến những địa phương chưa khai thác loại hình này trên cả nước để nhân rộng mô hình.
Ở các nước, đặc biệt là Pháp, Mỹ, Úc, Canada, nơi có kiều bào ta đang sinh sống và rất ái mộ nghệ thuật cải lương. Nhiều nghệ sĩ cải lương tại hải ngoại chẳng những diễn lại những vở tuồng xưa mà gần đây đã dàn dựng những vở mới, đây là một cách quảng bá cải lương đến bạn bè quốc tế. Ngoài ra cũng cần thêm nhiều sự kiện, triển lãm, giao lưu nhằm giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về loại hình ca cổ này của ta.
Một vấn đề khá quan trọng góp phần không nhỏ giữ gìn nghệ thuật cải lương, đó là đội ngũ doanh nhân – những người thành đạt trên thương trường. Để bộ môn nghệ thuật này thu hút được sự quan tâm của đội ngũ này, trước hết những người tham gia viết kịch bản cần sáng tác ra những đề tài gần gũi với đời sống hiện đại, với đội ngũ doanh nhân, với kinh tế đất nước… Một khi nhận được sự chú ý của đội ngũ này, đất diễn của cải lương sẽ có điều kiện tốt hơn để ra ngoài biển lớn.