Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ thí điểm cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine đi lại, hoạt động
(DNTO) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa cho biết, bộ này đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam, cho phép người tiêm đủ 2 mũi đi lại bình thường, đồng thời tiếp tục khuyến cáo phòng, chống dịch, vì những người tiêm 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây cho người khác.
Tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi/ngày mới hoàn thành kế hoạch
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vaccine sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm.
Bộ trưởng Long đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.
Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9. Về vaccine cho trẻ em, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.
Về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi, Bộ Y tế đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thế giới có khả năng sản xuất 1,5 tỷ liều vaccine mỗi tháng vào cuối năm 2021, và 2,2 tỷ liều mỗi tháng trong năm 2022. Với tín hiệu tích cực về vaccine, có thể đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho năm 2022.
Bộ trưởng Hùng cho rằng, xu hướng của thế giới hậu Covid-19 là kinh tế xanh và kinh tế số, kinh tế số sẽ tăng trưởng nhanh, là động lực của tăng trưởng GDP. Cũng theo bộ trưởng, hệ thống chỉ huy và kiểm tra trực tuyến được kết nối tới tận các xã, phường vừa được hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp cải thiện một bước đáng kể công tác tổ chức thực hiện vốn được coi là khâu yếu lâu nay.
Cũng tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng cơ bản được duy trì ổn định, đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 tiếp tục cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tập trung phân tích tình hình, đề xuất các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, nhất là sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhiều ý kiến đề cập cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine, sớm có hướng dẫn cụ thể về đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi…
Triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch
Lắng nghe ý kiến các bộ trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục có ý kiến chỉ đạo với các vấn đề cụ thể. Với Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai nhiệm vụ xây dựng cao tốc ở khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên; làm việc trực tuyến với các địa phương về giải phóng mặt bằng; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ ngay vướng mắc liên quan tới các mỏ vật liệu xây dựng cao tốc Bắc-Nam...
Với ngành nông nghiệp, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm việc ngay với các bộ liên quan, các tỉnh phía Nam để giải quyết vấn đề tiêu thụ quả thanh long…
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Từ nay đến 15/9, các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch tổng thể chung khi mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát.
Nhắc đến câu chuyện kiểm soát đi lại đối với người dân ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các bộ, ngành đã xây dựng nhiều ứng dụng (app) liên quan. Do đó, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, chủ động chuẩn bị trước để khi cần, có thể áp dụng triển khai ngay, tránh lúng túng, bị động.
Nêu vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng cần đánh giá sát thực tế hơn. Bởi trong 8 tháng năm 2021, giải ngân được hơn 40%, trong khi cùng kỳ năm 2020, năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong 5 năm trước, cũng chỉ đạt 46%. Tốc độ giải ngân nhanh của năm 2020 là vào những tháng cuối năm. Cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất lớn đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó thủ tướng đề nghị phải đánh giá kỹ các dự án khi xem xét quyết định điều chuyển nguồn vốn.