Bình đẳng giới dành cho ai?
(DNTO) - Bình đẳng giới không nhắm vào tính chất công việc hay những sinh hoạt hằng ngày. Bình đẳng giới quan trọng là thiết lập được các mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng, yêu thương và tự nguyện. Khi bạn tự nguyện, bạn yêu thích, bạn làm điều gì đó bởi bạn thấy nó mang đến cho bạn niềm vui và hạnh phúc thì không có gì là bất bình đẳng.
Mặc dù cuộc đấu tranh bình đẳng giới đã diễn ra từ tháng 2/1909 ở Mỹ, đã được công nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc vào năm 1945 và đề cập trong Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam từ năm 1946. Nhưng cứ đến những ngày kỷ niệm liên quan đến phụ nữ là bình đẳng giới lại trở thành đề tài nóng hổi được đem ra mổ xẻ.
Theo Báo cáo thường niên Khoảng cách giới toàn cầu (GGG) 2013 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, chưa có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới như nhân loại mong muốn. Tất nhiên là kể cả Việt Nam.
Bình đẳng giới, nhiều ý kiến trái chiều chưa có hồi kết
Bình đẳng giới hiểu nôm na là trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cả nam và nữ đều có vị trí, vai trò, điều kiện và cơ hội phát huy, cống hiến lẫn thụ hưởng như nhau.
Tuy nhiên, ở nước ta, vấn đề bình đẳng giới hiện vẫn còn đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Người ta vẫn cứ loay hoay với suy nghĩ: Bình đẳng là cào bằng hay có xét đến đặc điểm giới tính? Bình đẳng dựa trên nguyên tắc công bằng, hoặc dựa trên hoàn cảnh cụ thể?
Bình đẳng cào bằng. Ví dụ: Đàn ông đi ra ngoài kiếm tiền thì phụ nữ cũng phải được tạo điều kiện ra ngoài kiếm tiền. Phụ nữ làm việc nhà thì đàn ông cũng phải làm việc nhà. Phụ nữ chăm con, cho con bú (phổ biến ngày nay là vắt sữa ra bình) đàn ông cũng phải chăm con, cho con bú. Đàn ông đi nhậu, phụ nữ cũng được đi nhậu. Đàn ông mặc áo may ô thì phụ nữ cũng được mặc áo may ô v.v…
Bình đẳng có xét đến đặc điểm giới tính. Tính theo đặc điểm giới tính có nghĩa là bình đẳng được cho phép tính theo sự khác biệt về sức khỏe cơ bắp, đặc điểm tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần của mỗi giới. Ví dụ: Chấp nhận việc đàn ông khuân vác nặng, leo trèo cao hơn phụ nữ; Chấp nhận phụ nữ kém gan dạ và chịu đau hơn đàn ông… Có xét đến thiên chức làm mẹ và sức khỏe sinh sản của nữ giới…
Bình đẳng giới dựa trên nguyên tắc công bằng. Tức là xét đến yếu tố khác biệt khác. Ví dụ người thấp hơn sẽ được cho chiếc ghế cao hơn; Tuổi vể hưu của nữ giới thấp hơn; Chấp nhận nữ quân nhân không trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài chiến trường như nam quân nhân; Chấp nhận một số nghề danh riêng cho nam giới v.v…
Bình đẳng phải dựa trên hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ: người vợ ở nhà làm nội trợ, vì không có trình độ, năng lực hay vì sức khỏe kém, vì phải chăm sóc người già… trong khi người chồng dư sức bảo đảm nguồn lợi kinh tế và sự phát triển tương lai cho con cái. Cả hai cùng tự nguyện vì thấy phù hợp với hoàn cảnh và là một giải pháp khả thi.
Nam giới đang trở thành "nạn nhân" của bình đẳng giới
Trong khi cuộc “tranh cãi” còn chưa ngã ngũ, trong khi rất nhiều người vẫn nghĩ đấu tranh bình đẳng giới là đòi quyền lợi cho phụ nữ, thì gần đây, có một quan ngại được đưa ra là bình đẳng giới theo kiểu này sẽ làm cho nam giới trở thành nạn nhân của “bất bình đẳng giới mới”.
Có một thực tế là đại đa số phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ thường từ chối nhận hoa và quà của nam giới vì xem đó là một dấu hiệu không bình đẳng. Trong khi đó, ở nước ta việc chọn quà tặng cho phụ nữ trong những ngày lễ tết là nỗi ám ảnh, một áp lực kinh khủng cho nam giới. Nhiều anh cảm thấy bế tắc phải “cầu cứu” đến mọi người xung quanh.
Tuy đòi hỏi bình đẳng giới nhưng nhìn chung chị em vẫn cho rằng người đàn ông phải là trụ cột. Hễ có trường hợp nào các chị đóng vai trò trụ cột, các chị liền xem đó là điều bất thường, cho đó là thành tích xuất phát từ tài năng của mình. Thế là các chị “lên mặt”, ngầm nảy sinh tính gia trưởng, xem thường, tạo áp lực lên người đàn ông của mình.
Đòi bình đẳng nhưng các chị vẫn cho rằng mình là phái yếu, đàn ông là phái mạnh. Phái mạnh thì phải mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc “sến sẩm”, không được nhẹ dạ, cả tin… khiến họ rơi vào trạng thái cô độc, tỷ lệ trầm cảm ngày càng tăng nhưng lại giấu không dám đi khám chữa bệnh, không dám tìm đến chuyên gia tâm lý vì sợ bị đánh giá là yếu đuối là… đàn bà.
Không kể tình trạng thị trường lao động thay đổi, nhiều nơi do đặc thù công việc và giá cả, người ta chuộng lao động nữ hơn khiến nam giới gặp khó khăn trong vấn đề tìm việc.
Kết cục nam giới đang trở thành nạn nhân của bất bình đẳng giới.
Cộng đồng LGBT cũng cần được bình đẳng giới
Trong bối cảnh những người thuộc cộng đồng LGBT ngày càng gia tăng trên thế giới cũng như ở nước ta, bình đẳng giới không chỉ giới hạn giữa phụ nữ và nam giới. Sự bình đẳng giới cũng cần nên tính đến thành phần này.
Ngoài sự nhìn nhận họ là một người thuộc giới tính thứ ba. Họ cũng cần được thực hiện bình đẳng giới. Bình đẳng giới cho phép cộng đồng LGBT được công khai giới tính của mình, được bình đẳng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình, được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy khả năng cống hiến và được thụ hưởng thành quả.
Tóm lại, giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới là đã phá tư tưởng coi thường phụ nữ, không cản trở sự tiến bộ của phụ nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ phát huy tài năng. Triệt để xóa bỏ tệ nạn buôn bán phụ nữ, mại dâm, ngược đãi, bạo hành phụ nữ… kể luôn cả nam giới và cộng đồng LGBT.