'Nội tướng' cần nâng tầm chứ không nên rời bỏ
(DNTO) - “Nội tướng” được ví như người chỉ huy, tổ chức điều hành mọi việc trong ngôi nhà của mỗi gia đình. Cho dù có đòi quyền bình đẳng giới, hô hào giải phóng phụ nữ, cho dù có là tướng “thiệt” ngoài xã hội, các chị nhất định cũng không nên từ bỏ vai trò “nội tướng” của mình. Bởi đó là đẳng cấp, bản lĩnh và dấu ấn của người phụ nữ trong gia đình.
Cuộc sống hiện đại tất bật và nhiều áp lực khiến cho một số ngày kỷ niệm trong năm thường bị cho lướt qua. Nhưng ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10) hằng năm luôn được chị em háo hức mong đợi, vì đây là một ngày lễ mà người phụ nữ được tôn vinh và được nhận những điều tốt đẹp từ người thân, bạn bè, đặc biệt là “nửa kia” của họ.
Tùy theo từng thời kỳ lịch sử, vai trò vị trí của người phụ nữ trong xã hội có khác nhau. Nhưng thời nào người phụ nữ cũng đặc biệt được yêu thương, ca ngợi bởi những phẩm chất tốt đẹp mà họ vốn có. Phụ nữ được ví như cành hoa hồng, như người xây tổ ấm, người giữ lửa… Họ được gọi là giai nhân, là mỹ nữ…
Nhưng có một danh xưng bao hàm tất cả mọi ý nghĩa mà không có danh xưng nào xứng đáng hơn: Đó là “Nội tướng”.
Chúng ta thường nghe nói gia đình là tế bào của xã hội. Nhưng nếu như ví mỗi gia đình như một xã hội thu nhỏ thì vai trò của “nội tướng” sẽ càng được thấy rõ.
Trước hết, là tay hòm chìa khóa, người phụ nữ có quyền và có trách nhiệm quản lý ngân quỹ, cân đối thu chi. Ở vai trò này, họ chính là tướng lĩnh trên mặt trận “kinh tế”.
Ngoài tính toán khoản chi cho các bữa ăn, người phụ nữ còn phải biết cách lựa chọn, bảo quản lương thực, thực phẩm, có kiến thức về dinh dưỡng theo từng lứa tuổi để áp dụng cho từng thành viên trong nhà. Cân đối dinh dưỡng nhưng phải hợp khẩu vị mọi người. Vừa là đầu bếp vừa là chuyên gia dinh dưỡng thậm chí không khác gì một điều dưỡng có nghề mỗi khi trong nhà có ai ốm đau, nằm viện… Ở vai trò này, họ chính là tướng lĩnh trên mặt trận y tế.
Với các mối quan hệ gia đình dòng tộc, họ hàng, cần hòa giải khi có xung đột, tránh gây ra nghi ngờ, đố kỵ, bất hòa… Ở vai trò này, họ là tướng lĩnh trên mặt trận “ngoại giao”.
Và còn rất nhiều mặt trận khác: Giáo dục, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch, thời trang… Có thể nói “nội tướng” là một vị tướng đa năng.
Ngày nay, phụ nữ được tạo điều kiện và trao cho cơ hội phát huy năng lực của mình, họ có vị trí, vai trò xã hội ngang bằng nam giới. Sự “nôn nóng” khiến một số chị em xem việc giải phóng phụ nữ bao hàm nghĩa là phải dành nhiều thời gian cho bản thân, cho công việc xã hội, công việc kiếm tiền, sao cho “bình đẳng” với nam giới bằng mọi cách. Bình đẳng giới là được thoát ra khỏi nhà, thoát ra khỏi vai trò nội trợ quẩn quanh xó bếp. Tức là đồng nghĩa với việc chối bỏ cấp hàm “nội tướng” của mình.
Thực tế cho thấy điều đó khiến cho sức ảnh hưởng của chị em trong gia đình bị sút giảm. Vai trò “thống trị” của họ với các thành viên trong nhà cũng bị mờ nhạt. Sự kết nối với họ hàng hai bên nội ngoại, thậm chí với con cái, cũng bị lỏng lẻo.
Không thể khuyến khích phụ nữ quay về với vai trò nội trợ thuần túy như ngày xưa. Nhưng chị em cũng đừng nên để tuột mất cấp hàm “nội tướng” của mình. Bởi nó chứng tỏ đẳng cấp, bản lĩnh và dấu ấn của người phụ nữ trong gia đình. Và nó cũng chính là lực hấp dẫn giữ chân người đàn ông của bạn.
Vậy làm sao để chị em vẫn vừa có thể ra ngoài làm “ngoại binh” mà trong nhà vẫn là “nội tướng”? Bằng cách nâng tầm “nội tướng” lên một bước cao hơn. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ trong thời đại chuyển đổi số.
Người “nội tướng” ngày nay không nhất thiết phải “động tay động chân” mà quan trọng là có kỹ năng tổ chức, sắp xếp, điều chỉnh, cân bằng giữa công việc ngoài xã hội và việc trong nhà; Có kỹ năng tổ chức, vận động, “lôi kéo” các ông chồng vào cuộc. Đối với các gia đình có người giúp việc, các chị cần tận dụng phương cách giám sát và điều khiển từ xa trong việc "chỉ đạo", sao cho bộ máy hoạt động trơn tru có hiệu quả.
Cho dù có đòi quyền bình đẳng giới, cho dù có hô hào giải phóng phụ nữ, cho dù có là tướng “thiệt” ngoài xã hội, các chị nhất định cũng không nên từ bỏ cấp hàm “nội tướng” của mình.