Biểu diễn động tác yoga nơi công cộng, cần cân nhắc yếu tố phù hợp
(DNTO) - Hôm 4/11, mạng xã hội lan truyền hình ảnh và video ghi lại cảnh một nữ du khách Việt mặc đồ tập màu xanh, thực hiện động tác yoga "trồng cây chuối" bên ngoài Cung Cảnh Phúc (Gyeongbokgung) ở Seoul, Hàn Quốc. Một lần nữa vấn đề biểu diễn động tác yoga nơi công cộng lại được cư dân mạng đem ra mổ xẻ với nhiều ý kiến trái chiều.
Biểu diễn động tác yoga ở nơi công cộng
Có lẽ việc biểu diễn động tác yoga ở nơi công cộng bị phản ứng mạnh mẽ nhất bắt đầu bằng sự việc một nhóm khoảng 14 phụ nữ mặc đồ tập, trải thảm rồi nằm, ngồi, xếp hình tạo dáng để chụp ảnh trên tuyến đường thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, gây mất an toàn giao thông, mất trật tự công cộng và đã bị UBND thị trấn Kiến Xương ra quyết định xử phạt hành chính, vào hồi tháng 5/2024.
Cùng khoảng thời gian này, cũng tại Thái Bình, 16 người thuộc một câu lạc bộ yoga đã bị xử phạt hành chính với hành vi tổ chức tập yoga ngay giữa lòng đường để chụp ảnh, quay video kỷ niệm với hoa bằng lăng.
Gây "sốc" không kém là hình ảnh 3 người phụ nữ tạo dáng yoga cùng với chiếc xe ô tô đậu ở lề đường. Một trong ba người tạo tư thế "bánh xe" trên nóc ô tô trông rất phản cảm.
Tiếp theo, vào hồi cuối tháng 10/2024, trên đỉnh Fansipan (Lào Cai) hai nữ du khách mặc đồ bó sát, thực hiện động tác “trồng chuối” chiếm không gian chụp ảnh khiến nhiều du khách tỏ ra không hài lòng. Cảnh tượng này được một du khách nước ngoài quay lại và post lên mạng xã hội với những câu trạng thái mang tính châm biếm hài hước.
Tương tự, tại Đà Lạt, nhiều du khách lên núi “săn mây”, đến khi mây tan vẫn không chụp được tấm ảnh nào bởi một nhóm phụ nữ đang mải uốn éo, tạo dáng yoga làm cản trở.
Thậm chí, người ta còn mang cả bộ môn này lên trình diễn trên sân khấu đám cưới với trang phục bó sát cùng tư thế nhạy cảm khiến nhiều người ngại ngùng quay mặt đi chỗ khác.
Những hình ảnh này được cư dân mạng chia sẻ với nhiều ý kiến tranh luận. Đa phần lên án gay gắt, tỏ ra quan ngại sẽ làm “xấu xí” bộ môn Yoga và “xấu xí” hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Nghiêm trọng hơn nếu những hành vi ấy còn vi phạm luật pháp.
Đỉnh điểm của sự bất bình là việc một nữ du khách Việt mặc trang phục yoga tạo dáng tại khu vực Cung điện Gyeongbokgung (Seoul, Hàn Quốc) xảy ra mới đây. Việc làm này không những bị dư luận người Việt lên tiếng chỉ trích mà nhiều cư dân mạng Hàn Quốc cũng đưa ra những ý kiến trái chiều. Họ cho biết, Cung điện Gyeongbokgung là nơi linh thiêng ở Hàn Quốc. Vì thế, họ cảm thấy rất khó chịu khi xem hình ảnh tạo dáng yoga có phần “nhạy cảm” ở nơi đây.
Trên SBS News, ông Seo Kyung-deok, giáo sư tại Đại học nữ Sungshin (Seoul) bày tỏ: "Hành vi này không phù hợp tại một địa điểm lịch sử ở Hàn Quốc. Du khách có thể tự do tập yoga ở bất cứ nơi nào, nhưng nếu liên quan tới tài sản văn hóa của quốc gia khác, rõ ràng rất sai lầm". Ông cũng đề nghị ban quản lý cung điện Gyeongbokgung đưa ra những biện pháp an ninh, ngăn chặn các trường hợp tương tự trong tương lai.
Chuyên gia nói
Trước những cuộc tranh cãi nảy lửa của cộng đồng mạng, chị Nguyễn Sơn (SN 1984, Hà Nội) - người đăng quang cuộc thi Nữ hoàng Yoga Việt Nam 2022 - cho rằng: Yoga không phải là môn nghệ thuật biễu diễn đường phố. Yoga chỉ thích hợp tập trong phòng tập. Trang phục yoga chỉ nên mặc ở trong phòng tập, cũng giống như đi chùa thì phải mặc kín đáo, ăn cưới thì mặc lộng lẫy…
Còn Hoa hậu Yoga Việt Nam 2024, huấn luyện viên, giáo viên giảng dạy bộ môn yoga Nguyễn Thị Huyền thì chia sẻ: “Chụp ảnh hay tập yoga nơi công cộng không xấu nhưng nếu thực hiện nó không phù hợp thì sẽ gây ra ý kiến trái chiều”. Theo chị, nên đặc biệt chú ý đến yếu tố phù hợp: Phù hợp với thẩm mỹ về trang phục; Phù hợp văn hóa địa phương nơi biễu diễn; Phù hợp với quy định của luật pháp...
Chị Đỗ Trà My, huấn luyện viên yoga ở Hà Nội thừa nhận, tâm lý khó chịu của những người chứng kiến là có thật. Trang phục yoga thường bó sát, không phù hợp ở một số điểm công cộng. Chưa kể, một số học viên tràn xuống lòng đường cao tốc, cầu sắt để tập cũng gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Ngoài thay đổi nhận thức của người tập, dư luận xã hội cần lên án, thẳng thắn góp ý, phê phán các hành vi lệch chuẩn. Cơ quan chức năng nên đưa ra chế tài xử lý phù hợp, tránh để hành vi không hợp thuần phong mỹ tục tiếp diễn, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Yoga là một bộ môn thể dục khai mở tâm, thân, trí rất bổ ích trong việc rèn luyện thân tâm của con người. Chúng ta không nên làm cho nó biến tướng do sự thiếu hiểu biết, suy nghĩ lệch lạc về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị của Yoga… hay muốn thể hiện, hoặc phục vụ sở thích “flex” bản thân trên mạng xã hội. Không nên để du khách nước ngoài có cái nhìn tiêu cực về người Việt, đặc biệt là phụ nữ Việt.