Để chó tấn công người, chủ vật nuôi có thể bị phạt tù giam
(DNTO) - Mới đây, một clip bé gái bị 2 con chó béc-giê tấn công dẫn đến tử vong lan truyền trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đa phần người xem bàng hoàng, sợ hãi, đau lòng và phẫn nộ. Để chó tấn công người, chủ vật nuôi có thể bị phạt tù giam.
Chó cắn chết người
Vào khoảng 19g tối 20/11, cháu P.D.M., 5 tuổi, trú tại thôn 3, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã bị hai con chó béc giê hàng xóm cắn đứt động mạch cảnh hai bên cổ, dẫn đến mất nhiều máu, ngừng tuần hoàn hô hấp và tử vong. Toàn bộ sự việc đã được camera giám sát ghi lại. Công an huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phùng Thị Sơn (37 tuổi), trú tại xã Vĩnh Sơn, là chủ của hai con chó.
Liên quan đến chó dữ cắn chết người, không chỉ gia đình nạn nhân mà chắc hẳn nhiều người dân vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại câu chuyện bé trai 8 tuổi bị chó pitbull nặng hơn 30kg tấn công và tử vong do vết thương quá nặng tại xã Đồng Tiến, Đồng Phú, Bình Phước. Hay vụ việc chó pitbull không rọ mõm, cắn chết cụ bà 82 tuổi ở phường Bình Thắng, TP Dĩ An, Bình Dương vào năm ngoái.
Nguy cơ tử vong vì bệnh dại
Theo TS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ở Việt Nam, ổ chứa virus dại chủ yếu từ chó - chiếm 96-97%. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại 17 tỉnh, thành phố đã ghi nhận có 29 ca tử vong do bệnh dại, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, bị chó cắn không chỉ khiến nạn nhân thương vong trực tiếp mà còn chết vì bệnh dại. Bởi vì khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong của người nhiễm bệnh gần như 100%. Tuy nhiên trên thực tế, do chủ quan, nhiều người dân đã trả giá bằng tính mạng của mình với cái chết thương tâm do bệnh dại gây ra.
Chó thả rông gây tai nạn, chủ bị xử lý thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hiểu (Văn phòng Luật sư Đại Quốc Việt), tùy vào tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, chủ vật nuôi có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại về mặt dân sự. Nhiều trường hợp có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt lên đến 10 năm tù.
Liên quan tới vụ bé gái 5 tuổi ở Vĩnh Phúc bị 2 con chó béc-giê cắn tử vong vào ngày 20/11 nêu trên, luật sư Nguyễn Thị Hồng - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, chủ chó trong trường hợp này có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 5 năm tù. Ngoài ra, phải bồi thường các thiệt hại, tổn thất về tính mạng và tinh thần, vật chất cho nạn nhân theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Đối xử văn minh với động vật đi đôi với nếp sống văn minh với cộng đồng
Chó là động vật gắn bó thân thiết với con người. Ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, chó được xem là thú cưng, được nâng niu, trân trọng.
Ở nước ta, điều này ngày càng được thể hiện rõ. Dễ nhận thấy, ngày nay chó được mặc quần áo, được đi xe hơi, được cưng nựng, bồng ẵm, thậm chí cho ăn cùng mâm, ngủ chung giường với chủ. Đây được cho là cách đối xử văn minh với động vật. Tuy nhiên, văn minh với động vật trong thực tế chưa đi đôi với văn minh trong thể hiện trách nhiệm cộng đồng.
Không khó để bắt gặp cảnh tượng chó được dắt ra đường không rọ mõm, thả chạy rông khắp nơi; dắt vào quán cho ngồi lên bàn ghế, ăn chung đồ dùng với người; chủ động cho chó phóng uế nơi công cộng, “ưu tiên” nhất là công viên, “đi” xong thản nhiên dắt nhau về, không dọn. Thậm chí cho “đi nhờ” cả bên hè nhà hàng xóm…
Nhiều trường hợp nuôi chó trong chung cư không tuân thủ quy định. Đặc biệt, nổi lên hiện tượng nuôi chó hoang, chó “giải cứu” lên đến hàng chục, hàng trăm con. Một số cá nhân được các hội yêu động vật tôn vinh tài trợ để duy trì hoạt động này. Ô nhiễm môi trường từ hậu quả phóng uế, tiếng ồn của chó là nỗi ám ảnh của các nhà lân cận.
100% trường hợp chó tấn công người đều là lỗi của người nuôi chó do chủ quan, bất cẩn và thiếu trách nhiệm. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc siết chặt công tác quản lý vật nuôi, đặc biệt là chó. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức, bồi dưỡng ý thức cho người dân về việc nuôi chó - nhất là chó dữ. Đồng thời xử phạt thật nặng người nuôi vi phạm.