Bank of England: Tiền số sẽ gây khủng hoảng tài chính như năm 2008 nếu không được quản lý
(DNTO) - Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Bank of England phụ trách ổn định tài chính, Jon Cunliffe vừa cảnh báo rằng, tiền kỹ thuật số sẽ gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, trừ phi các nguyên tắc quản lý chặt chẽ hơn được tiến hành.
Trong một cuộc nói chuyện vào ngày 14/10, Jon Cunliffe chỉ ra tỉ lệ tăng trưởng cực kỳ mạnh của thị trường tiền kỹ thuật số, từ mức 16 tỷ USD 5 năm trước lên mốc 2.300 tỷ USD hôm nay, 15/10. Sự tăng trưởng này cao hơn rất nhiều thị trường nợ dưới chuẩn trị giá 1.200 tỷ USD vào năm 2008.
“Khi một điều gì tăng trưởng quá nóng trong thị trường tài chính và không bị quản lý, các nhà quản lý ổn định tài chính cần phải ngồi lại cùng nhau và tính toán đường hướng quản lý”.
Cunliffe thừa nhận rằng chính phủ các nước cùng các nhà quản lý cần thận trọng, không phản ứng thái quá hoặc định hình cách tiếp cận mới một cách “nguy hiểm”, đơn giản là có sự khác biệt với thời điểm 2008. Ông này cũng cho biết, các công nghệ tiền số cũng làm thúc đẩy tích cực các dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng, cho dù hiện nay sự rủi ro đối với ổn định tài chính là hữu hạn, các tài sản kỹ thuật số cũng gây lo ngại đến với số đông trong ngành tài chính do các tài sản này thực sự không có giá trị thực và dễ tổn thương trước sự điều chỉnh giá.
Bitcoin và Ethereum - hai đồng tiền kỹ thuật số có giá trị lớn nhất thế giới đã giảm giá hơn 30% trong đầu năm nay trước khi phục hồi trở lại, và chứng tỏ sự biến động cực mạnh của nó kể từ khi được tạo ra. Giá các đồng tiền này lên xuống , thay đổi do tác động của nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài, từ lời bình luận của CEO Tesla Elon Musk hay là sự quản lý chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc.
“Thế giới tiền số bắt đầu liên kết với hệ thống tài chính truyền thống, và chúng ta đã thấy nhiều người chơi đòn bẩy. Và quan trọng nhất là nó phát triển trong môi trường không bị quản lý”.