Ầu ơ...5G
(DNTO) - Từ giữa tháng 11 cho đến ngày cuối cùng của năm 2020, 3 nhà mạng lớn thi nhau ru cộng đồng bằng những thông tin về mạng di động 5G. Những lời ru thật ngọt ngào.
Ầu ơ... cách nhau hàng rào
Sáng ngày 31/12/2020, TP. Thủ Đức là điểm đến cuối cùng của câu chuyện “thử nghiệm thương mại” mạng 5G của ba nhà mạng: Viettel, MobiFone và VinaPhone nhân sự kiện công bố nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập TP. Thủ Đức. Trụ phát sóng 5G của Viettel nằm bên trong khuôn viên UBND Q.2. Còn VinaPhone và MobiFone phái đến những chiếc xe phát sóng 5G lưu động nhưng nằm ngoài khuôn viên, chỉ cách nhau hàng rào.
Về “tư cách”, Viettel là nhà mạng chính thức phát sóng 5G tại sự kiện này để lãnh đạo Quốc hội và UBND TP.HCM thử nghiệm sóng 5G. Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel tiết lộ: “Viettel chú trọng tới những địa bàn như Thủ Đức vì đây là thành phố sáng tạo, cần hạ tầng mạng có tốc độ cao và nhanh nhất để xây dựng những mô hình của thời 4.0 như nhà máy thông minh, xe không người lái, robot, dịch vụ y tế công nghệ cao...”.
Nhưng VinaPhone cũng không chịu thua. Một chuyên gia của nhà mạng này nói rằng: “Chiếc xe phát sóng lưu động kia chỉ là yếu tố linh hoạt để những ai có đủ điều kiện được trải nghiệm sóng mạng 5G, bên cạnh đó còn có những trạm cố định. Thủ Đức sẽ là địa bàn chính của 5G VinaPhone khi được cấp phép khai thác chính thức công nghệ mạng này”.
MobiFone im lặng đến rồi im lặng đi. Họ là nhà mạng chỉ xin giấy phép thử nghiệm 5G duy nhất tại TP.HCM... Trong khi đó, Viettel và VinaPhone là hai nhà mạng đã có giấy phép thử nghiệm thương mại tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Ầu ơ... ganh nhau từng "mê"
Nhà mạng nào cũng muốn mình xuất hiện trên các tờ báo, mạng xã hội... có tốc độ mạng 5G nhanh nhất! Gọi là “thử nghiệm thương mại” nhưng tại mỗi trụ phát sóng, các nhà mạng phải năn nỉ hạn chế những dòng máy “bắt được sóng 5G” kích hoạt mạng vì sợ tốc độ mạng xuống thấp. Cứ phải tốc độ càng cao mới được. Nghe nhà mạng này là 1,7Gbps, nhà mạng kia phải ít nhất là 1,71Gbps mới chịu. Có nhà mạng đưa ra lời thách: “Muốn biết nhà mạng nào có tốc độ cao hơn, xin mời ra phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) hay phố di bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), ngồi trên xe máy hoặc xe hơi mà đo nhé. Còn cứ công bố thử nghiệm trong nhà, có cao ngút tầng mây chẳng thể tin được”.
Lời thách thức này cho đến nay vẫn chưa được hai “đối thủ” còn lại chấp nhận. Cũng chưa có ai cùng lúc “hai tay hai súng 5G cùng lúc” để kiểm chứng thiệt hơn, vì nhiều lẽ: máy 5G tương thích với các nhà mạng còn ít, chưa kể muốn bắt sóng 5G phải qua cài đặt và “phê duyệt” của các nhà mạng. Nói thêm, vì vùng phủ sóng 5G còn hẹp nên chẳng mấy ai rảnh để làm chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Trừ khi... Hiện nay, tốc độ 5G của các nhà mạng sàn sàn nhau, cao nhất là 1,78Mbps, còn ra ngoài đường, cứ tà tà trên xe máy, dao động từ 500 – 600Mbps. Sau này, khi vào kinh doanh thực tế, có được tốc độ đó để mà coi phim 4K/8K, chơi game... đã là quá ngon với điều kiện gói cước 5G bằng hoặc cao hơn chừng 20% so với gói cước 4G hiện nay.
Ầu ơ đầu tiên là... tiền đâu
Chủ tịch Tập đoàn Viettel tiết lộ thông tin ngắn gọn: “Tháng 6 năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép chính thức cho 5G”. Nghĩa là 3 nhà mạng đã được cấp phép thử nghiệm thương mại sẽ được cấp phép chính thức. Nhưng để khai thác chính thức mạng 5G không phải muốn là được.
Nguồn vốn đầu tư hạ tầng đang là nỗi lo của nhiều nhà mạng trên toàn cầu, đâu phải riêng gì Việt Nam. Với công nghệ 5G NSA (Non Stand Alone) nghĩa là “5G dựa trên mạng 4G sẵn có” mà có chuyên gia nói rằng đó là “5G giả”, phải mất ít nhất là 200 – 300 triệu đồng cho một thiết bị phát sóng với điều kiện đã có trạm phát sóng 4G trước đó.
Một chuyên gia về mạng 5G giải thích: “Khi vùng đó đã có trạm 4G và đường truyền cáp quang, số tiền đó đủ mua thiết bị 5G NSA. Còn nếu xây trạm mới, tất tần tật phải mất 1 tỷ đồng hoặc hơn một chút, không thể thấp hơn”. Theo vị chuyên gia trên, vì chưa có nhiều nhà mạng 5G (hiện có 135 nhà mạng 5G trên toàn cầu) nên giá thành thiết bị phát sóng 5G còn “cao ngút trời”.
Tại buổi công bố thử nghiệm mạng 5G ở TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, MobiFone cần phải có từ 1,5 – 2 tỷ USD để xây dựng hạ tầng và những phần việc hỗ trợ cho mạng 5G. “Đây là nguồn vốn lớn nên nhà mạng cần thận trọng. MobiFone nên dùng chung hạ tầng với các nhà mạng khác để tiết kiệm chi phí đầu tư”, bà Hà nói.
Vậy mà, theo ông Vĩnh Tuấn Bảo, Phó tổng giám đốc MobiFone, trong lộ trình phát triển 5G giai đoạn 2021 - 2022, MobiFone sẽ phát sóng tại 21 tỉnh thành: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... Đến năm 2025, MobiFone sẽ phủ 5G trên toàn quốc, ông Bảo nói như vậy. Nghi ngờ tuyên bố trên của MobiFone là điều không nên chút nào nhưng sao vẫn thấy có gì đó... Thôi, đành lòng mà chờ vậy.
Với Viettel, như lời của ông Dũng, sẽ đầu tư 5G tại những đô thị lớn, những vùng có công nghiệp phát triển, có mục tiêu xây dựng mô hình thành phố thông minh như Thủ Đức. Gặng hỏi về kế hoạch phủ sóng 5G của Viettel, ông Dũng khẳng định: “Khi nào Bộ cấp giấy phép, lúc đó Viettel sẽ phủ sóng. Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng”.
Lãnh đạo Tập đoàn VNPT (chủ thương hiệu VinaPhone) quá kín tiếng về chiến lược, chiến thuật phủ sóng 5G. Hôm 19/12/2020, khi chính thức thử nghiệm thương mại mạng 5G cùng lúc tại TP.HCM và Hà Nội, ở đầu cầu TP.HCM, ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết: “Kế hoạch xây dựng mạng 5G đã có nhưng chưa thể nói gì về nó vào lúc này”.
Ầu ơ nào phải 4G
Nghe về tầm phủ 5G của đối thủ, một lãnh đạo nhà mạng cũng đang thử 5G lên tiếng: “Chẳng dại gì mà phủ 5G mênh mông cả, chỉ phủ ở những địa bàn có nhu cầu sử dụng 5G vào quản trị sản xuất và công nghệ, như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...”.
Vị lãnh đạo này còn cho biết: “5G không dành cho người tiêu dùng đầu cuối nếu chỉ để coi phim, chơi game... như 4G. Ngay cả doanh nghiệp, nếu muốn xài 5G phải là những tên tuổi có tầm quốc tế đang có mặt tại các khu công nghệ cao”.
5G được coi như là siêu xa lộ. Phải có những “dòng xe siêu tốc độ” như kiểu nhà máy thông minh, robot sản xuất, xe không người lái, phẫu thuật từ xa... mới xứng tầm. Thử hỏi, những dòng xe đó đã có tại Việt Nam chưa? Chắc chắn là chưa. Đành phải chờ.
Nhiều người cũng nghĩ vậy. Nhưng không thể không có 5G để chứng minh tầm nhìn xa hơn vào thời kỳ 4.0 như bè bạn năm châu. Nếu chưa có gì, thôi thì, cứ coi phim, chơi game... cho sang!
5G như lời ru của mẹ vỗ về những đứa trẻ ngủ ngon không quấy quá trong những đêm thâu hay những trưa hè!