87 cửa hàng GS 25 tại TP.HCM bán thực phẩm tươi sống
(DNTO) - 87 cửa hàng GS 25 tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức vừa được Sở Công thương TP.HCM chấp thuận cho tham gia cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân TP.HCM.
Ông Mai Thụy Nhân - Tổng giám đốc Công ty TNHH GS 25 VIETNAM (GS 25) khẳng định: “Chúng tôi đã sẵn sàng mọi nguồn lực để đáp ứng nhanh nhất các nhu cầu của người dân thành phố. Hãy lựa chọn GS 25 vì chúng tôi luôn phục vụ người dân với tiêu chí tiện lợi – nhanh chóng – an toàn – bình ổn giá”.
Cũng theo ông Nhân, GS 25 là chuỗi cửa hàng tiện lợi với quy mô hơn 100 điểm bán trải khắp các quận, huyện trong TP.HCM, tập trung chủ yếu ở các khu vực đông dân cư với vị trí đi lại thuận lợi, không gian mua sắm rộng rãi, đa dạng mặt hàng kinh doanh với nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo; vận hành chuyên nghiệp, luôn chủ trương thực hiện 5K nghiêm túc để đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhân viên.
Với sự chấp thuận của Sở Công thương, đơn vị sẽ sắp xếp lại theo hướng tập trung vào mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm công nghệ, gạo, gia vị...
87 cửa hàng GS 25 bán hàng này sẽ ở khắp các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12, huyện Nhà Bè, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, thành phố Thủ Đức.
Xin mời xem danh sách cửa hàng tại đây
Ông Nhân cho biết thêm, để thuận tiện cho người dân, ngoài mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng GS 25, người tiêu dùng cũng có thể đặt hàng qua điện thoại; đặc biệt có thể đặt mua chung để tiện lợi trong việc giao nhận hàng hóa.
Trước mắt, các cửa hàng sẽ thiết kế khoảng 5-6 mẫu combo, mỗi combo trị giá khoảng 200.000 đồng - 250.000 đồng đủ dùng cho gia đình 4 người trong 3 ngày để khách hàng tiện mua.
Riêng đối với hình thức đặt mua chung, mới đây, VinCommerce (công ty sở hữu Vinmart/Vinmar+) cũng đã gửi văn bản về giải pháp cung cấp hàng thiết yếu cho người dân TP.HCM đến Sở Công thương TP.HCM.
Theo đó, VinCommerce đề nghị mỗi xã, phường, tổ dân phố trên địa bàn TP.HCM cần sắp xếp một đơn vị hỗ trợ, cung cấp đầu mối cán bộ phụ trách cho người dân trên địa bàn.
Từ đây, khách hàng sẽ tìm kiếm thông tin của điểm bán gần nhất hoặc gọi điện lên tổng đài để được cung cấp thông tin. Sau đó, lựa chọn mua sắm sản phẩm trên tờ rơi thiết yếu hoặc trên website, điền đầy đủ thông tin vào đơn đặt hàng, thanh toán và chuyển đơn hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn.
Cán bộ phụ trách này sẽ hỗ trợ tổng hợp đơn đặt hàng của người dân; chuyển thông tin đến siêu thị gần nhất trên địa bàn để xử lý đơn hàng rồi nhận hàng, sau đó hỗ trợ chuyển phát đến khách hàng.
Theo thông tin từ Sở Công thương, tính đến nay, TP.HCM đang có 2.763 cửa hàng tiện lợi, 96 siêu thị và 29 chợ đang hoạt động.