500 nhà máy Thái Lan bị ảnh hưởng bởi Covid-19
(DNTO) - Thái Lan hiện đang nỗ lực đối phó với làn sóng Covid-19 lần thứ 3 đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, bán lẻ và lao động.
Dịch Covid-19 lan rộng trong các nhà máy
Nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, theo Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 Thái Lan, từ đầu tháng 4 đến nay, đợt dịch Covid-19 thứ 3 đã tác động mạnh đến hoạt động của 518 nhà máy có tổng số 36.861 người lao động tại 49 tỉnh, thành cả nước.
Trong đó, có 15 tỉnh có trên 1.000 công nhân mắc Covid-19, 5 tỉnh có từ 500 đến 999 người mắc, và 9 tỉnh có ít hơn 500 ca.
3 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Phetchaburi với số công nhân bị mắc Covid-19 là gần 4.500 người; tiếp theo là tỉnh Phetchabun với xấp xỉ 3.500 người, và tỉnh Pruchuap Khiri Khan với trên 2.500 người.
Lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất là thực phẩm với 99 nhà máy, tiếp theo là điện tử với 74 nhà máy, dệt may với 42 nhà máy và nhựa với 36 nhà máy.
Hiện Thái Lan có trên 64.000 nhà máy, trong số đó 18.000 nhà máy đã được kiểm nghiệm các biện pháp kiểm soát Covid-19, và 68% trong số này đáp ứng đủ điều kiện.
Đến giữa năm 2023 ngành bán lẻ Thái Lan mới có thể hồi phục
Hiệp hội các nhà bán lẻ Thái Lan (TRA) dự báo, năm nay thị trường bán lẻ nước này sẽ sụt giảm khoảng 12% so với năm 2020, nếu chính phủ nước này không đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ tài chính cũng như tăng cường các gói kích thích tiêu dùng nội địa.
Theo lãnh đạo TRA, do dịch Covid-19 đợt 3 bùng phát mà ngành bán lẻ có thể mất tới 270 tỷ Bạt doanh thu dịp hè từ tháng 5 đến tháng 8. Các doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang nỗ lực tiếp cận các gói vay từ tổ chức tài chính, tuy nhiên chỉ 10% trong số đó, tương đương 30.000 doanh nghiệp được đáp ứng được các điều khoản cho vay.
Căn cứ tình hình hiện tại, TRA đánh giá có thể đến giữa năm 2023 ngành bán lẻ Thái Lan mới hồi phục được về mức trước khi dịch Covid-19 diễn ra. TRA kêu gọi các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ, trong đó có gói hỗ trợ đồng chi trả 50% cho phí thuê mặt bằng và lương người lao động cũng như giảm 50% chi phí điện nước trong ít nhất 6 tháng.
Thu hút đầu tư tăng trưởng mạnh
Về đầu tư, theo Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI), các dự án đăng ký đầu tư vào Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt giá trị 386 tỷ bạt (11,5 tỷ USD), tăng 158% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dẫn đầu là lĩnh vực điện tử, y tế và hóa dầu.
Lĩnh vực điện và điện tử thu hút vốn đầu tư nhiều nhất với 77 dự án, trị giá 61 tỷ Bạt, tăng 136%; lĩnh vực y tế đứng thứ 2 với 47 dự án trị giá 43 tỷ USD, tăng gấp 3 lần (12,9 tỷ Bạt), đứng thứ 3 là lĩnh vực hóa dầu và hóa chất với 43 dự án trị giá 28,2 tỷ Bạt, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng trị giá đầu tư 279 tỷ bạt, tăng gấp 4 lần so với 6 tháng đầu năm 2020. Nhật Bản (87 dự án; 42,8 tỷ Bạt), Hoa Kỳ (18 dự án; 24,1 tỷ Bạt) và Trung Quốc (63 dự án; 18,6 tỷ Bạt) là ba quốc gia có nguồn vốn đầu tư FDI vào Thái Lan cao nhất giai đoạn này.