Thư pháp Việt: Nơi giao lưu các nghệ nhân thư pháp
(DNTO) - Ngày 19/11, nghệ nhân Võ Dương cùng các cộng sự ra mắt công ty cổ phần Thư Pháp Việt, nhằm tạo sân chơi cho các nghệ nhân, góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị truyền thống dân tộc thông qua việc khơi dậy nét chữ thư pháp của người Việt.
Theo nghệ nhân thư pháp Võ Dương, việc ra đời của đơn vị Thư Pháp Việt dưới sự bảo trợ của Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam (VietKings, Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam), với mục tiêu trở thành nơi giao lưu, trao đổi kỹ năng của những người yêu thích thư pháp, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa Việt; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; giới thiệu đến Hiệp hội Làng nghề Việt Nam để được công nhận: Nghệ nhân Quốc gia, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân.
Bên cạnh đó, Thư pháp Việt tổ chức các “sân chơi” Thư pháp, khuyến khích các đối tượng, lứa tuổi tham gia. Kết nối cộng đồng giáo dục, đưa thư pháp vào các trường học để giảng dạy, khẳng định được giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần mà bộ môn Thư pháp Việt mang lại.
Theo đó, công ty Thư Pháp Việt còn đem đến thị trường các mặt hàng mỹ nghệ cao cấp, gần gũi với môi trường, được chế tác từ gỗ nu cà phê Việt Nam kết hợp với đá phong thủy tự nhiên Nhật Bản; sản phẩm được viết hoặc khắc chữ thư pháp, tranh thư pháp.
Các sản phẩm thư pháp đều được thực hiện bởi các nghệ nhân nổi tiếng,từng được xác nhận Kỷ lục thế giới, châu Á và Việt Nam như: Võ Dương, Hồ Mai Hương, Đức Dự..., trong đó, dòng sản phẩm đá phong thuỷ Nhật Bản được xem là một nét mới dành cho người thưởng ngoạn.
Khởi nguồn từ Trung Quốc, sau đó đến các nước Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam..., nghệ thuật Thư pháp đã chảy vào đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc trên thế giới. Các nghệ nhân Việt Nam không chỉ thể hiện Thư pháp bằng chữ Hán, Hán – Nôm, chữ Nôm, và cả chữ Việt theo ký tự Latinh – một sự sáng tạo nhằm truyền tải những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc.
Đến nay, qua vài thập niên tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân thư pháp đã có sự đột phá sáng tạo trên con đường nghệ thuật. Thư pháp Việt đã dần được khẳng định và có chỗ đứng trong tâm thức của người Việt Nam, là món ăn tinh thần cho nhiều thế hệ người Việt.
Tuy nhiên, Thư pháp Việt cũng là “mới”, còn “non trẻ” so với nền văn hóa 1.000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Bởi đến nay, chúng ta chưa có quy ước chuẩn mực cho bộ môn Thư pháp; chưa có sự chuẩn hóa trong từng bộ nét, bộ chữ cũng như chưa có cơ sở trường lớp đào tạo bài bản; vẫn còn sự tranh cãi, thiếu sự đồng nhất trong bộ môn này giữa các vùng miền...
Nhà thư pháp - kỷ lục gia Võ Dương, sinh năm 1981, tại Quảng Nam. Anh có 15 năm kinh nghiệm trong việc viết và nghiên cứu thư pháp tại TP.HCM. Anh được biết đến với hai lần xác lập kỷ lục với công trình quyển "Kinh vu lan báo hiếu", sách "Những lời dạy của Bác Hồ", và quyển sách "Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng cuộc đời". Hiện anh là Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt, Cung văn hoá lao động T.PHCM.