'Tạp hóa Năm Châu': Kể chuyện gia đình bằng góc nhìn đa chiều

(DNTO) - Thông qua những câu chuyện và các tình huống thật trong phim, bộ phim Tạp hóa Năm Châu kể chuyện gia đình, chia sẻ quan điểm hạnh phúc bằng góc nhìn đa chiều.
Tạp hóa Năm Châu là bộ phim sitcom về chủ đề gia đình, tái hiện cuộc sống đời thường bằng tình huống thật theo cách kể hài hước, vui nhộn nhưng đủ trọn vẹn để gửi thông điệp về giá trị tình thân, tình thương giữa con người với con người, dù là người trong một gia đình, hay giữa hàng xóm với nhau, thậm chí với cả những con người xa lạ trong cuộc sống.
Tạp hóa Năm Châu trở thành món ăn tinh thần đủ nhẹ nhàng, đủ niềm vui và ý nghĩa cho khán giả yêu mến phim truyền hình.

Bối cảnh câu chuyện phim tại tiệm tạp hoá Năm Châu. Ảnh: ĐQ
Thông qua những nhân vật: ông Châu (do NSND Thanh Điền thủ vai), bà Năm Á (do nghệ sĩ Phi Phụng thủ vai), Mỹ (Lê Lộc), Hoàng (Chí Thiện), Đại Dương (Bi Max)... đạo diễn Nguyễn Tấn Trực tái hiện cuộc sống gia đình đời thường từ tình huống thật, dung dị qua nhiều góc nhìn để một lần nữa nhắc nhở mọi người, đang bận rộn ngoài kia, về gia đình – nơi chúng ta thuộc về.
Không kể chuyện bằng những tình huống sướt mướt hay nặng nề quá về đấu tranh tâm lý nhân vật, đạo diễn Tấn Trực đi theo lối riêng nhưng không làm mất đi cái cốt lõi cần gửi gắm đến khán giả yêu phim Việt, yêu mến chủ đề gia đình. Anh hướng tới cách tái hiện cuộc sống qua các mẩu chuyện hài hước, dễ hiểu. Trong hài có ngẫm chứ không đơn thuần là tạo ra tiếng cười trống rỗng, đó là cái khéo léo của đạo diễn Tấn Trực.

Các nghệ sĩ tái hiện các tình huống theo cách hài hước. Ảnh: ĐQ
Cùng là mâu thuẫn vợ chồng, khi "nóc nhà" lên tiếng khiến vợ con buồn lòng hay anh em ruột tranh giành chẳng ai nhường ai, thậm chí có những mâu thuẫn bắt nguồn từ người hàng xóm... đều được Tạp hóa Năm Châu kể lại một cách nhẹ nhàng để khán giả thoải mái, không nặng nề khi xem.
Điều đáng chú ý, Tạp hóa Năm Châu muốn nói với khán giả rằng mâu thuẫn trong cuộc sống luôn xuất hiện nhưng để chúng ta hiểu nhau hơn chứ không phải tạo khoảng cách trong các mối quan hệ. Tiếng cười trong phim thể hiện cho sự thấu hiểu, tha thứ. Mọi chuyện dù có lớn lao, chỉ cần biết luôn nghĩ về đối phương và trao cho nhau nụ cười ấm áp thì tất cả sẽ đều tan biến.

Tiếng cười thể hiện sự thấu hiểu. Ảnh: ĐQ
Giống như cách mà NSND Thanh Điền nói: “Quan điểm hạnh phúc của tôi là gì? Hạnh phúc là tiếng cười. Chúng ta vui vẻ cười với nhau đó là niềm hạnh phúc. Tôi cho đó là hạnh phúc vô giá”. Một chủ đề mà cánh đàn ông xem Tạp hóa Năm Châu cũng sẽ bắt gặp hình ảnh mình trong đó, chính là sợ vợ. Điều này được ví von trong phim nhưng bằng một cách nào đó NSND Thanh Điền vào vai nhẹ nhàng khiến cho chủ đề tưởng như nặng nề lại hóa thành thân thương, tôn trọng lẫn nhau bằng chính tình yêu, tình nghĩa vợ chồng.
NSND Thanh Điền bộc bạch: “Tôi chưa bao giờ đóng một vai sợ vợ đến mức độ vậy. Bà ấy (cô Phi Phụng vai bà vợ Nam Á) tạo cho tôi ấn tượng bả là vợ tui nha. Bà ấy tạo cho tôi một thói quen là biết sợ, mà thật sự đây không phải là sợ vợ mà là nể và thương vợ, nghe những gì vợ mình nói đúng thì mình phải chấp nhận, phải nghe”.